Tảo được nuôi trồng trong hộp nhựa (Ảnh: Tepbac.com)
Khoảng hơn 40 loài vi tảo được nuôi và sử dụng làm thức ăn trong NTTS (Lương Văn Thịnh, 1999), tuy nhiên, ở Việt Nam chủ yếu mới phân lập làm thức ăn cho thủy sản 2 loài Skeletonema costatum và Chaetoceros sp. Hiện nay ở nước ta, giống các loài vi tảo này chủ yếu được NK và đều là vi tảo nổi. Nhóm tảo khuê sống bám đáy như Nitzschia closterium và Navicula cari, có thành phần dinh dưỡng tương đối cao và là nguồn thức ăn rất tốt cho ấu trùng và con non của các loài thủy sinh vật giai đoạn sống đáy chưa được quan tâm nhiều.
Đề tài “Thu thập và nhân giống các loài vi tảo làm thức ăn phục vụ cho các đối tượng thủy sản” được thực hiện tại Viện NCNTTS 3 nhằm góp phần làm phong phú thành phần loài vi tảo sử dụng trong NTTS.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: Thu thập và phân lập vi tảo biển
Thu mẫu tảo ngoài tự nhiên: Thu mẫu bằng lưới phù du mắt lưới 20 µm, bảo quản trong bình tam giác 500 ml tiệt trùng đưa về phòng thí nghiệm để kiểm tra và sàng lọc.
Phương pháp phân lập vi tảo biển:
- Pha loãng: dùng cho nhóm tảo nổi.
- Cấy trên thạch: dùng cho hầu hết cho các loài tảo xanh, tảo khuê, tảo vàng, …
- Pha loãng và gắp: dùng cho loài tảo sống dạng chuỗi như Skeletonema costatum.
Phương pháp làm sạch mẫu: dùng kháng sinh, lọc.
Nuôi sinh khối tảo khuê sống đáy Navicula cari và Nitzschia closterium.
Nguồn nước biển: Nước biển trước khi dùng để nuôi sinh khối tảo được lọc qua bể lọc cơ học, bể lắng, túi lọc, qua cục siêu lọc có kích thước mắt lọc nhỏ dần, từ 1µm đến 0,5µm, khử trùng bằng đèn cực tím.
Nguồn nước ngọt: Nước máy sinh hoạt đã để bay hết Chlorin.
Dụng cụ và thể tích nuôi: Bể composite đáy tròn phẳng 500 lít.
Cách làm vật bám và thả vật bám: Miếng bám 1 cm2 cắt bằng nhựa mỏng. Góc miếng bám có đính chỉ để tiện khi lấy mẫu. Khủ trùng miếng bám bằng nước sôi, sau đó thả đều cho kín khắp đáy bể.
Mật độ nuôi sinh khối ban đầu: 10.000, 50.000 và 1000.000 tb/ml.
Độ mặn: 25 ‰ (Nitzschia closterium) và 30 ‰ (Navicula cari).
Cường độ ánh sáng: 10.000-60.000 lux (có lưới che nắng).
Chế độ sục khí: 24/24 giờ.
Môi trường nuôi tảo: (môi trường TT3) gồm KNO3: 70 ppm, KH2PO4: 10 ppm, EDTA: 5 ppm, Urê: 7 ppm, Acid citric: 7 ppm, Na2SiO3: 5 ppm và FeCl3: 2 ppm.
Hình thức nuôi: nuôi thu sinh khối toàn phần.
Thí nghiệm được lặp lại 3 lần.
Phương pháp xác định mật độ tế bào vi tảo
Lấy mẫu định lượng tảo lúc 9h sáng. Mỗi lần lấy 5-10 miếng bám, cố định mẫu bằng dung dịch lugol trung tính. Đếm tảo bằng buồng đếm hồng cầu Thoma hay Hirschmann.
Công thức tính khi mật độ tảo thấp (đếm hết buồng đếm):
Mật độ tảo (tb/cm2) = Số tế bào đếm được x 104
Công thức tính khi mật độ tảo dày (đếm 4 ô 4 góc và 1 ô ở giữa):
Mật độ tảo (tb/cm2) = Số tế bào đếm được ở 5 ô/5 x 25 ô x 104
Đo độ mặn: Dùng khúc xạ kế.
Đo nhiệt độ nước: Dùng nhiệt kế thủy ngân.
Xử lý số liệu: Dùng chương trình phân tích dữ liệu trong excell.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: Thu thập và phân lập vi tảo biển
Danh mục các loài vi tảo biển được trình bày trong bảng 1 trang sau.
Nuôi sinh khối một số loài tảo khuê sống đáy
Bố trí thí nghiệm với 3 mức 104, 5x104 và 10x104 tb/ml để chọn mật độ nuôi ban đầu thích hợp cho nuôi sinh khối ngoài trời 2 loài tảo trên.
Theo dõi sự biến động của nhiệt độ nước và pH ở bể nuôi sinh khối trong suốt quá trình thí nghiệm. Nhìn chung các yếu tố nằm trong ngưỡng cho phép (nhiệt độ 27-310C, pH: 7,8-8,9) ở cả 2 loài tảo.
Kết quả cho thấy, tảo Nitzschia closterium và Navicula sp. với mật độ ban đầu 10 x 104 tb/ml cho kết quả đạt sinh khối cao nhất. Tuy nhiên, ở tảo Nitzschia closterium, sự chênh lệch sinh khối giữa lô 104, 5 x 104 và 10 x 104 tb/ml là không nhiều. Cụ thể tảo ở lô 1 x 104 tb/ml đạt mật độ 412,33 ± 13,04 x 104 tb/cm2 ở ngày thứ 6; lô 5 x 104 tb/ml đạt 439,25 ± 10,36 x 104 tb/cm2 ở ngày thứ 6; còn ở lô 10 x 104 tb/ml đạt 503,67± 26,29 x 104 tb/cm2 ở ngày thứ 5. Do đó, tùy theo nhu cầu sản xuất, có thể chọn mật độ ban đầu cho nuôi sinh khối tảo Nitzschia closterium từ 1 - 10 x 104 tb/ml.
Ngược lại, tảo Navicula cari với mật độ ban đầu 104, 5 x 104 và 10 x 104 tb/ml có sự chênh lệch lớn về sinh khối giữa các lô. Lô mật độ ban đầu 1 x 104 tb/ml đạt thấp nhất (64,88 ± 7,5 x 104 tb/cm2), số lượng tảo tạp chiếm đến 30%, tảo nhanh tàn hơn. Lô 5 x 104 tb/ml có lượng tảo tạp chiếm 15%, sinh khối tảo đạt 130,63 ± 10,0 x 104 tb/cm2. Lô 10 x 104 tb/ml đạt sinh khối cao nhất (174,17 ± 18,88 x 104 tb/cm2, tảo tạp chỉ chiếm 5% tổng số.
Nguyên nhân có thể do chu kỳ phát triển của tảo Navicula cari dài nên nuôi sinh khối ở mật độ ban đầu thấp làm tảo chậm phát triển, tảo tạp và nguyên sinh động vật có cơ hội phát triển làm ảnh hưởng chất lượng và sinh khối của tảo, đồng thời làm tảo nhanh tàn.
Theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của chúng tôi trong cùng điều kiện nuôi (nhiệt độ, môi trường nuôi cấy, mật độ ban đầu, cường độ ánh sáng), tảo Navicula đạt mật độ cao nhất vào ngày thứ 19 còn tảo Nitzschia vào ngày thứ 11 của chu kỳ nuôi.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
Kết luận
Sinh khối tảo Nitzschia closterium không có sự chênh lệch lớn giữa các lô thí nghiệm nuôi sinh khối với mật độ ban đầu 1x104; 5x104 và 10x104 tb/ml. Tảo Navicula cari nuôi với mật độ ban đầu 10x104tb/ml đạt sinh khối cao nhất (174,17 ± 18,88 x 104 tb/cm2), tảo tạp chiếm 5% tổng số tảo. Lô mật độ ban đầu 1x104 tb/ml sinh khối tảo đạt thấp nhất (64,88 ± 7,5 x 104 tb/cm2), tảo tạp chiếm 30% tổng số.
Đề xuất
Nên nuôi sinh khối tảo sống đáy nói chung và tảo Nitzschia closterium, Navicula cari nói riêng trong dụng cụ có đáy rộng, bằng phẳng, nhằm thu được sinh khối cao.
Nuôi sinh khối tảo Nitzschia closterium với mật độ ban đầu 1x104 tb/ml để giảm lượng giống, rút ngắn thời gian chuẩn bị giống.
Không nên nuôi sinh khối tảo Navicula cari với mật độ ban đầu thấp để hạn chế tảo tạp và nguyên sinh động vật phát triển làm ảnh hưởng đến chất lượng và sinh khối tảo.