Từng mất ngủ theo con tôm, nợ nần chồng chất cũng vì tôm liên tục xảy ra dịch bệnh, nhiều ngư dân trăn trở, tìm hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản. Tình cờ, trong những lần đi đặt chuôm đánh bắt cá hồng, cá mú tự nhiên về nuôi, một số ngư dân phát hiện có lẫn một vài con cá giống khác - đó là cá vẩu. Mặc dù là đối tượng mới, song người dân cũng mày mò để nuôi thử. Dễ nuôi như cá hồng, cá mú, nhưng cá vẩu có thịt săn, chắc, ít mùi tanh; nhiều khách hàng ưa chuộng. Từ đó, người dân ở hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) chuyên đặt chuôm khai thác giống cá vẩu đưa về nuôi.
Ông Lê Viết Khánh, thôn Tân Bình (Lộc Bình) vui mừng: “Ba năm nay gia đình tôi chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá vẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Ông Trần Cát, hộ dân nuôi cá vẩu trải lòng: Được tin, đối tượng cá vẩu dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi vay thế chấp ngân hàng 20 triệu đồng đầu tư nuôi 1 lồng cá vẩu, thả nuôi gần 200 con. Đầu năm thả nuôi cá, đến tháng 6 thu hoạch tỉa những con cá lớn, còn lại tiếp tục nuôi đến Tết Nguyên đán thu hoạch bán được giá; cho lãi trên 50 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, phương pháp nuôi cá vẩu cũng giống như cá mú và hồng. Thức ăn là các loại cá tạp tươi sống, băm nhỏ; cho ăn 5-6 lần/ngày trong hai tuần nuôi đầu, sau đó giảm xuống còn 3 lần/ngày. Sau 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con; bán với giá 200 ngàn đồng/kg. Nếu thả nuôi 200 con/lồng với kích cỡ cá thả 60 con/kg đến khi thu hoạch sẽ cho lãi ròng khoảng 50 triệu đồng/lồng; cao gấp 1,5 lần so với cá mú, hồng. Cá vẩu giống cần hạn chế di chuyển, bởi nếu bị trầy vẩy cá sẽ chết. Ngoài ra, cá vẩu ăn mạnh và chịu được nước ngọt hơn các loại cá chuyên sống môi trường nước lợ, mặn khác.
Nắm bắt ưu điểm này, từ 1 lồng nuôi, hiện ông Trần Cát đầu tư thêm 2 lồng nữa, tổng cộng mỗi năm thả nuôi 600 con, trừ mọi chi phí, thu lãi khoảng 180 triệu đồng. Tương tự, hiện trên địa bàn xã Lộc Bình cũng có nhiều hộ tham gia nuôi cá vẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những xóa đói giảm nghèo mà còn giúp hàng chục hộ nuôi có đời sống khấm khá.
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư cho biết: “Cá vẩu thuộc họ cá chim trắng, có giá trị kinh tế cao. Để nhân rộng mô hình nuôi cá vẩu lồng, cần phải có thời gian và chiến lược lâu dài, bởi nguồn giống chưa chủ động được, đầu ra phụ thuộc vào thương lái. Hiện, trung tâm đang có kế hoạch nghiên cứu và đưa vào nuôi thử nghiệm giống cá chim có đặc tính tương tự cá vẩu nhưng có khả năng sinh sản. Nếu thành công sẽ giúp người dân chủ động hơn về mặt con giống, từ đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi”.
Để nghề nuôi cá vẩu phát triển bền vững và hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, như: cải tạo lồng nuôi, cách chọn giống, cho ăn… đồng thời, khuyến khích bà con không nuôi một đối tượng trên nhiều diện tích, thả nuôi với mật độ vừa phải… tránh ô nhiễm môi trường và đầu ra cho sản phẩm được dễ dàng hơn.