Xuất gạo, nhập ngô
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị NK nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 7/2017 ước đạt 258 triệu USD, đưa tổng giá trị NK mặt hàng này 7 tháng đầu năm lên 2,03 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường NK chính của nhóm mặt hàng này trong 6 tháng là: Argentina chiếm 46,6% thị phần; Hoa Kỳ 9,5%; Ấn Độ 4,6% và Trung Quốc 4,3%. Giá trị NK cũng tăng ở hầu hết các thị trường, thậm chí có thị trường tăng gấp 2 - 10 lần, đơn cử như Italia tăng hơn 10 lần, Ấn Độ tăng hơn 2 lần.
Thống kê cho thấy, năm 2016, Việt Nam NK 3,39 tỷ USD TACN và nguyên liệu. Trong đó, NK ngô là 8,3 triệu tấn với trị giá 1,65 tỷ USD; đậu nành 1,56 triệu tấn. Ông Trần Xuân Định -Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - chia sẻ, hiện nay, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TACN. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để NK ngô hạt phục vụ nhu cầu chế biến TACN. Đó chính là mâu thuẫn nội tại của ngành trồng trọt; trong khi xuất khẩu gạo lớn, ngô lại phải nhập hơn 50% về giá trị so với gạo xuất.
Giảm sức cạnh tranh
Thực tế, giá ngô, đậu tương NK luôn thấp hơn giá ngô trồng trong nước, số lượng không hạn chế; trong khi hàng trong nước không ổn định về sản lượng và chất lượng, gây khó cho nhà sản xuất. Theo điều tra mới nhất của Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, giá thành sản xuất ngô lên tới 4.200 - 4.300 đồng/kg, nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi, khó cạnh tranh được với giá ngô nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam hiện đang được chào bán với giá 4.700 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc nguồn TACN NK khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cho rằng, ngành chăn nuôi hiện nay phụ thuộc lớn vào thức ăn NK nên giá trị của ngành không cao, thậm chí chỉ lấy công làm lãi. Trong 5 năm gần đây, giá TACN tăng mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của ngành cũng như người chăn nuôi trong nước vì giá trị gia tăng thấp. Một số vùng sản xuất TACN của Việt Nam không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân không tham gia được vào chuỗi cung ứng TACN cho doanh nghiệp (DN).
Tính toán cho thấy, TACN chiếm 70 - 75% giá thành sản phẩm nuôi. Người chăn nuôi lấy công làm lãi, phần lợi nhuận gần như rơi vào tay các DN NK và chế biến TACN, chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đơn cử, năm 2016, 59 nhà máy trong tổng số 239 nhà máy chế biến TACN cả nước, nhưng số DN này chiếm 60 - 65% sản lượng thị trường.
Theo ông Trần Xuân Định, sở dĩ ngành TACN còn nhiều hạn chế vì nước ta thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất chưa cao, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô ngoại nhập. Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi nói chung, cạnh tranh được với ngô NK nói riêng, cần giải được bài toán giảm giá thành thông qua hai yếu tố chính: Giảm chi phí canh tác và cải thiện năng suất.