Tham dự chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ Chi cục Thủy sản Bình Định, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn và đại diện lãnh đạo phường Hải Cảng, cùng với đó là 70 hộ nuôi cá biển của phường Hải Cảng, xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn).
Tại đây, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã truyền tải đến các hộ nuôi trồng thủy sản kỹ thuật nuôi thương phẩm một số loài thủy sản có giá trị kinh tế hiện nay và giải pháp phòng trị một số bệnh phổ biến thường gặp trên cá biển; các chính sách, định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng trên biển bền vững tại Bình Định; triển khai một số nội dung Luật thủy sản 2017 quy định áp dụng cho nuôi biển.
Thông qua việc đối thoại, trao đổi trực tiếp, các cơ quan chuyên môn cùng người dân đã phân tích những khó khăn, thách thức trong phát triển nuôi cá biển trong lồng tại phường Hải Cảng nói riêng và thành phố Quy Nhơn nói chung.
Đồng thời cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ nhằm khai thác tiềm năng nghề nuôi biển hướng đến phát triển hiện đại, bền vững, lâu dài như: Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; tổ chức phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm; hình thành các kênh cung cấp thông tin thị trường, thông tin về thiên tai, biến đổi khí hậu; ứng dụng KHKT, công nghệ hiện đại tạo ra các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường; tháo gỡ khó khăn về thức ăn phục vụ nuôi biển; công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến; chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh,...
Các hộ nuôi trao đổi với các cơ quan quản lý, chuyên môn. Ảnh: NTN
Đối với nuôi biển, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 60 ha diện tích mặt nước nuôi lồng bè trên biển chủ yếu do các hộ dân tự đầu tư với kiểu lồng, bè truyền thống; các đối tượng nuôi chính gồm: Cá chẽm, cá bớp, cá giò, cá hồng, cá mú, tôm hùm, mực lá... Năm 2022, có 2.965 lồng nuôi với 56.970 m3, sản lượng đạt 217 tấn tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão; mặt khác đối với nuôi biển hở cần đầu tư vốn lớn và công nghệ nuôi hiện đại nên nuôi biển tại Bình Định chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Đây cũng là khó khăn chung trong phát triển nuôi biển của phần lớn các tỉnh ven biển miền Trung.