Thương nhớ tôm cá đồng chiêm

Bởi địa hình trũng thấp, ngập lụt quanh năm nhiều đầm, hồ, ao, chuôm nên Bình Lục - Hà Nam quê tôi rất nhiều tôm cá

trẻ nhỏ
Ảnh: Lê Thắng.

Bởi địa hình trũng thấp, ngập lụt quanh năm nhiều đầm, hồ, ao, chuôm nên Bình Lục - Hà Nam quê tôi rất nhiều tôm cá. Cá tôm là món ăn thường ngày và nơi đây, từ lâu đời, người ta nghĩ ra lắm dụng cụ và phương thức đánh bắt cá tôm. Con cá, con tôm đã đi vào lời ru của mẹ, vào tục ngữ, ca dao, đồng dao,.. truyền miệng bao đời.

Ngày còn bé, cứ chiều Đông gió rét, khi cưỡi trâu đi chăn ngoài gò, đống quanh làng, bọn trẻ con chúng tôi thường mang theo liềm và cái rổ để tranh thủ đào rau má, rau sam, hái rau tập tàng cho gia đình vì mùa này rau đang khan hiếm, gạo thóc trong nhà đang vợi dần.

Xế chiều, rổ rau lưng lửng và cái rét len lỏi qua làn áo phong phanh đánh thức cảm giác buốt giá mà đầu hôm mải việc quên đi, bọn trẻ lại hè nhau vơ lá, kiếm củi đốt đống lửa sưởi ngay ngoài gò đống. Ngồi bên đống lửa, bọn trẻ con thi nhau ê a cất lên đồng dao ngộ nghĩnh truyền lại từ ngàn đời. Mỗi khi khói quẩn theo chiều gió tạt vào, làm chúng tôi ngạt thở, mắt cay xè.

Vào quãng tháng Tư, tháng Tám nông lịch - hai mùa nước sau mưa rào, lúc này lúa đã bén rễ, lên xanh, nước ngập lưng cây. Cá rô hàng đàn nối đuôi nhau mừng nước bơi đi kiếm ăn. Người lớn thường đánh rọ được rất nhiều. Trẻ choai tự làm cần câu đi nhử được hàng xâu. Hương vị béo ngậy, thơm ngon đặc biệt của món canh cá rô đồng nấu bánh đa, rau rút, giá bông và hẹ. Xâu cá rô béo vàng, mẹ luộc qua, gỡ thịt và hai buồng trứng để riêng thả vào sau.

Phần xương giã kỹ, lọc lấy nước trong nấu canh. Bát canh cá rô thơm ngon, rất đẹp với sắc xanh của hẹ, trắng của bánh đa, vàng của giá bông với chùm trứng nhỏ li ti nổi lên bề mặt cùng váng mỡ bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm ngậy hấp dẫn.

Mỗi khi mưa rào ngớt, chúng tôi lại nón lá, áo tơi tranh nhau ra cánh mạ vốn khô nẻ, nay lắp xắp nước mưa, bắt cá rô rạch ngược dòng tìm nơi đẻ trứng. Chúng tôi cũng hay đào bẫy (rậy) nơi dòng nước chảy bên bờ ruộng, bờ ao. Trên miệng hố, đặt góc ống tre nhỏ cho nước chảy qua, cá rô to, đen trũi hay con trê, con cá quả mừng nước vượt ra từ ao sâu.

Nông nhàn, dân nơi khác hay đến làng Họ của tôi đấu thầu tát cá ao Lớn và ao Hàng, ao sâu rộng nhất làng do nhiều đời bà con đào đất vượt thổ làm vườn và nền nhà mà thành. 15 mẫu ao là nơi trú ngụ của chim, cò và đủ loại thủy tộc vì nhiều chỗ rậm rạp đầy bèo tây, lau, sậy và năn lác. Máy bơm nước rất hiếm, nên chủ yếu tát nước bằng gầu và guồng cả tuần lễ mới cạn. Nhiều bận, tát gần cạn, gặp trận mưa to nước lại trắng băng.

Mỗi lần, người ta thu hàng tấn cá các loại, mấy tạ ba ba. Trắm đen 37kg, mè trắng 25kg, ba ba 5kg - tôi đã từng thấy. Bắt cá xong, người lớn tháo khoán cho trẻ con nhảy xuống hôi lại. Thật vui vẻ, náo nhiệt, đứa nào cũng được vài cân cá nhỏ. Đứa nào chịu khó dùng gậy dò dẫm, xâm thật sâu xuống bùn ao vài tiếng, sẽ tóm được vài chú ba ba gan lì ẩn dưới lớp bùn dày ở quanh gần bờ ao tìm cách trốn mà không được.

Lúa ngoài đồng gặt hết, trơ gốc rạ. Rỗi rãi, cánh đàn ông con trai thường tổ chức đi úp cá tập thể ngoài sông hay vùng ruộng trũng thông với đầm, hồ, ao chuôm ven đường.

Lần khác, vào buổi sáng tầm tháng Tư, mùa cá chép vật đẻ sau mưa rào, tôi sang nhà cụ Quảng già bên cạnh, là em trai ông nội tôi, ngủ nhờ từ chập tối để gần sáng, cụ Quảng còn gọi tôi dậy đi úp cá vật đẻ trên ruộng lúa ngập nước hai bên đường 21.

Tầm 3h sáng, tôi mắt nhắm mắt mở men theo ven đường tàu đi ngược lên phía cầu sắt. Vừa nhẹ nhàng đi vừa nghe từng đám cá chép đang lạch xạch vật đẻ xa gần. Lũ cá chép theo đàn quây lại một vùng tròn như cái nia, con cái bơi trước phun trứng ra rễ, thân lúa, rễ cỏ, rễ bèo xung quanh, con đực luôn bám sát phun sẹ vào trứng để thụ tinh. Chỉ cần chụp nơm xuống là bắt gọn 6-7 con, cỡ cắt đôi ( 5-7 lạng).

Cũng với cái nơm này, sau một trận mưa rào khác, tôi và thằng em liền kề đã úp được con cá chuối cực lớn ngay ruộng rau muống nhà ông Cờ sau miếu xóm.

Lôi lên khỏi ruộng rau, chúng tôi mới thấy con cá chuối hoa to đen trùi trũi cỡ bắp đùi người lớn, bụng đầy trứng lặc lè. Bố tôi sai thả cá xuống ngòi trước nhà nuôi tạm ít bữa.

Đông đến, thức ăn khan hiếm, các anh trai tôi thường rủ bạn sang tận vực Đồng Văn, thuộc Mỹ Lộc (Nam Định) ở bên kia cầu Họ để câu đập, kiếm được rất nhiều cá ngão, phàm ăn và rất bạo. Mắc vào lưỡi câu con tép gạo, thả cần, đập tùm tùm một lúc là tha hồ giật hết con này đến con khác kỳ hết thì thôi. Vực Đồng Văn vốn hình thành sau một trận lụt bị vỡ đê đã lâu, cách đây vài trăm năm, rộng mênh mông và sâu lắm. Khoảng non nửa hơi nông, sen mọc kín như rừng.

Phần còn lại sâu hun hút, trẻ con lặn không thấy đáy và rất nhiều trường hợp bơi giỏi vẫn bị chết đuối. Vực là nơi rất nhiều cá tôm và chưa bao giờ được tát cạn. Chỉ ba bốn tuổi, chúng tôi đã được dạy bơi lặn rồi, để phòng tránh đuối nước.

Cần câu tí hon chặt từ bụi hóp ở bờ rào nhà, dây là sợi tơ chuối mảnh, nhỏ, tước rất khéo từ bẹ chuối tây. Mồi là sâu bé bé bóc ra từ nõn cây mai trồng làm kè bờ ao bên ngõ nhà bác Lô hàng xóm. Con sâu được buộc chỉ tơ chuối ngang thân còn giãy giụa, ngo ngoe khi thả xuống nước. Một loáng, con cá đuôi cờ sặc sỡ lao ra nuốt trọn vào bụng.

Chỉ việc giật lên thả vào lọ thủy tinh rồi lại tiếp tục câu con khác. Năm tôi mười tuổi, Khang bảy tuổi và Lãng bốn tuổi, bố tôi đan cho ba anh em cái rổ xúc bối và cái giỏ to tướng đi kèm để kiếm thức ăn. Cái rổ khổng lồ, đường kính hơn hai mét, đan nan to, cứng, thưa một phân, sâu tầm một mét.

Còn cái giỏ đựng cỡ 20kg cá cua, tôm ốc. Thằng Lãng bé nhất, chuyên ở trên bờ canh quần áo và giỏ. Tôi và Khang lóp ngóp bơi theo dòng nước, lùa rổ vào các cụm bèo tây, kéo nhẹ vào ven bờ để đứng rũ dần bèo vất ra, rũ đến đâu nhấc rổ lên đến đấy, đảm bảo không có mặt nước thoáng trong rổ làm lũ cá quả thừa cơ vọt ra ngoài mất.

Vào mùa Hè, chỉ đi quanh một vòng ao chuôm quanh làng đầy bèo tây có đầy giỏ cá diếc, cá rô, ốc nhồi, tôm cua… Mùa Đông, càng rét lại càng xúc được nhiều cá quả, cá trê, cá bò rúc vào rễ bèo tránh rét. Những lúc ấy, anh em tôi thường xuống sông cầu Họ để xúc.

Những chiều tối cuối Thu, tôi và chị gái thứ tư thường đi kéo vó tôm. Tầm 5h30’ là hai chị em đã rải xong 20 cái vó tôm và quay về ăn vội bữa cơm tối để kịp nhấc vó. Mồi là cám rang thơm. Vó được thả tại các ao chuôm quanh trong làng xóm. Mỗi cái vó nhấc lên ít cũng được vài con, nhiều là ba bốn con tôm càng to tướng. Nhiều con già quá, mốc cả đầu. Chỉ tầm hơn tiếng đồng hồ là nghỉ, thu vó vì loài tôm chỉ đi kiếm mồi vào chập tối:

Tôm đi chạng vạng Cá đi rạng đông.

Tôi đi kèm chủ yếu là đi “canh ma” vì chị gái tôi chúa nhát, rất sợ ma.

Chị Trâm tôi còn có tài móc cua. Chị vốn bé nhỏ, gày còm, lại là lợi thế khi móc cua vì tay chị nhỏ nên dễ luồn vào hang móc những con cua cái béo vàng đang làm hang để đẻ ở bờ mương máng, ruộng lúa khắp nơi. Vài tiếng, là chị móc được giỏ đầy mà tôi phải mang theo gậy, cùng chị khiêng về vì chị tôi không thể mang nổi giỏ. Số cua đủ cho gia đình tôi nấu canh riêu, làm nước chấm cả tuần.

Đồng chiêm quê tôi nhiều lươn. Không biết từ lúc nào, có một nhóm gần chục bác từ Hưng Yên, Hải Dương vào lúc lúa xanh, nước ngập ngang cây lúa lại đến trọ tại nhà tôi để bắt lươn cả tháng trời.

Với cái vịt tre (giỏ rất to, đan hình con vịt, miệng có hom, hai bên buộc hai ống luồng làm phao thả nổi và buộc dây vào thắt lưng người bắt lươn, kéo đi theo người), mỗi ngày một người bắt được mấy yến lươn các loại.

Làng tôi được ăn thả cửa các món lươn. Từ lươn nấu chuối, cháo lươn… ngon nhất vẫn là lươn kho khô bằng nồi đất với củ chuối tây thái nhỏ. Lươn cụ làm sạch nhớt, chặt đầu, rạch bỏ cột sống và chần bẹt ra bằng sống dao, sắt khúc, nêm mắm muối, nước hàng, ớt và củ chuối ủ dấm trấu lom dom qua đêm, thơm phức, vàng ươm, suốt đời tôi không thể quên.

Cứ trước khi ở cữ dăm tháng, mẹ tôi lại chọn mua mấy cân tép tươi ngon, rửa sạch, để ráo nước, giã nhuyễn rồi trộn muối, thính hoặc gạo rang. Mẹ cẩn thận đóng vào lọ sành khô, sạch, nút chặt lá chuối khô.

Bên ngoài miệng, lọ lại được bọc một lớp rơm trộn bùn kín. Sau cùng, lọ mắm tép chôn nửa chìm nửa nổi tại gốc cam chanh trước sân nhà. Sau khi sinh em, mẹ tôi đào lên, ngày ba bữa, chỉ với chút mắm tép quấn trong lá bưởi nướng kỹ cháy xém, mẹ ăn với cơm gạo quê xay lật nguyên vỏ cám, đúng trăm ngày. Chỉ có thế, mà lần nào sinh, mẹ rất nhiều sữa, em bú không hết còn cho trẻ con hàng xóm bú nhờ. Mẹ và em bé đều béo khỏe, hồng hào.

Còn lắm cách đánh bắt cá tôm mà tôi chưa kể ra đây tại làng quê một năm hai mùa nước lụt cách đây dăm chục năm về trước. Hệ thống tưới tiêu thủy lợi phát triển, nhất là từ khi có nhà máy thủy điện ra đời, sông Hồng mới được chế ngự. Lũ lụt đã vĩnh viễn rời xa quê hương tôi. Cái đói, cái nghèo và cả nghĩa xóm, tình làng bền chặt ngàn xưa cũng từ bỏ mảnh đất này cùng những đổi thay hội nhập.

Người lao động, 18/01/2017
Đăng ngày 19/01/2017
Trần Công Khanh (ANTG)
Nông thôn

Quảng trường con tôm ở Cà Mau: Tăng vốn đầu tư lên 43 tỷ đồng

Quảng trường Phan Ngọc Hiển tại thành phố Cà Mau đang trở thành một trong những dự án trọng điểm với nhiều thay đổi lớn về diện tích, vốn đầu tư và thời gian thi công. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án này, tăng vốn đầu tư thêm hơn 43 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2026.

Biểu tượng con tôm
• 08:00 22/12/2024

Lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2025

Vừa qua, Cục Thủy sản đã hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ và một số nội dung quản lý, tổ chức sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2025 cụ thể như sau:

Thả giống
• 10:06 16/12/2024

Ngư dân Bình Định trúng đậm cá chù

Vừa qua, rất nhiều tàu thuyền của ngư dân hành nghề lưới vây rút ngày ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định cập bến với cá chù đầy khoang. Mỗi thuyền sau mỗi chuyến đánh bắt từ 2 đến 3 ngày thu được sản lượng từ 1 đến 2 tấn cá. Với giá cá chù 50.000 đồng/kg, mỗi thuyền thu nhập từ 50 đến 100 triệu.

Cá chù
• 10:28 13/12/2024

Cà Mau đẩy mạnh quảng bá con tôm đến thị trường Mỹ

Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, đoàn công tác Cà Mau do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dẫn đầu đã làm việc với Seafood Watch (SFW) để tổ chức Hội nghị “Tôm sú bền vững từ Việt Nam” tại Boston, Hoa Kỳ và triển khai chương trình hợp tác với trường Đại học Arizona.

Tôm sú
• 10:23 09/12/2024

Calciphos - Bí quyết giúp tôm nuôi lột xác nhanh bóng đẹp khỏe mạnh

Khoáng chất là một trong những yếu tố cốt lõi đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tôm. Thiếu hụt khoáng chất có thể khiến tôm chậm lớn, vỏ mềm, dễ nhiễm bệnh. Calciphos với công thức được người nuôi tôm tin tưởng trong 15 năm là dung dịch khoáng đa vi lượng giúp người nuôi an tâm tôm cứng vỏ sau khi lột, chắc thịt, tăng cao tỷ lệ sống.

Calciphos Virbac
• 19:33 23/12/2024

Các lưu ý khi xử lý ao thả nuôi vụ tết 2025

Vụ nuôi thả dịp Tết luôn là thời điểm quan trọng trong ngành thủy sản. Xử lý ao nuôi tôm vụ Tết 2025 cần chú trọng các lưu ý đặc biệt để đảm bảo môi trường nước sạch, tôm khỏe mạnh, và đạt năng suất cao trong điều kiện thời tiết mùa Tết thường lạnh và có thể biến đổi thất thường.

Ao nuôi tôm
• 19:33 23/12/2024

Hướng đi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam

Tôm Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị thương hiệu và cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm tôm khác trên thế giới, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam là một yếu tố quan trọng.

Tôm thẻ
• 19:33 23/12/2024

Những câu hỏi thường gặp về bệnh EHP trên tôm

Bệnh vi bào tử trùng EHP là một trong những bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi, gây ra thiệt hại lớn cho ngành thủy sản. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của tôm mà còn gây khó khăn trong quản lý ao nuôi. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về bệnh EHP và các giải pháp hiệu quả mà người nuôi tôm cần biết.

Tôm thẻ chân trắng
• 19:33 23/12/2024

Mật độ thả giống tối ưu cho từng loại hình nuôi tôm

Mật độ thả giống đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến sức khỏe, tốc độ tăng trưởng, và năng suất thu hoạch. Việc lựa chọn mật độ phù hợp không chỉ dựa trên loại hình nuôi mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện ao, kỹ thuật chăm sóc, và môi trường nước.

Ao nuôi tôm
• 19:33 23/12/2024
Some text some message..