Ông Nguyễn Minh Phương, chủ trang trại bắt đầu nuôi cá tra từ năm 2000. Lúc ấy, ông chỉ mới có 1ha mặt nước, làm cá tra giống để cung cấp con giống cho người anh trai đang nuôi thương phẩm.
Sau đó, ông chuyển sang nuôi cá tra thịt và thường thu được thành công. Từ 1ha ban đầu mở rộng dần ra, đến nay ông đã có trong tay 40 ao nuôi cá với tổng diện tích mặt nước là 30ha. Trong đó, 6ha làm giống, 20ha nuôi cá tra thương phẩm, 4ha còn lại nuôi cá lóc và cá điêu hồng. Ngoài ra, ông còn có 2.000m2 lồng bè nuôi cá điêu hồng trên sông.
Do nuôi cá tra quy mô lớn, cung cấp cho các nhà máy chế biến XK, nên từ năm 2008, ông Phương đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trên nhiều ao nuôi theo yêu cầu của các nhà máy. Mấy năm qua, để cung ứng cá tra, cá lóc và cá điêu hồng cho hệ thống siêu thị Metro, với sự hỗ trợ của hệ thống này, ông Phương đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.
Đến nay, nhiều ao nuôi của ông đã được chứng nhận VietGAP, với sản phẩm là các loài cá nói trên. Khoảng 30 - 40% sản lượng cá VietGAP của ông được hệ thống Metro thu mua. Số còn lại, ông bán cho các nhà máy chế biến cá tra XK. Mỗi năm, riêng lượng cá VietGAP bán cho Metro, ông đã thu về 4 - 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Xuân (khu vực Tân Quy, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Cần Thơ) có trong tay 1,5ha mặt nước. Trước đây ông nuôi cá trê vàng. Khi thị trường loại cá này không còn thuận lợi, ông chuyển sang nuôi ếch. Trong mấy năm đầu, sản lượng ếch của ông Xuân chỉ chừng trên 10 tấn/năm bởi không có đầu ra ổn định nên không dám nuôi nhiều.
Cuối năm 2014, với sự hỗ trợ của Metro, ông Xuân bắt đầu sản xuất ếch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông kể lại, làm VietGAP thì không được sử dụng các loại kháng sinh cấm (có tác dụng mạnh trong điều trị bệnh ở ếch nhưng lại có hại với sức khỏe con người), nên thời gian đầu tỷ lệ hao hụt tăng lên so với khi chưa làm VietGAP.
Nhưng hiểu rằng làm VietGAP là thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nên ông quyết tâm làm. Không được dùng kháng sinh cấm nữa, ông sử dụng biện pháp lọc nước và thay nước liên tục để loại bỏ các yếu tố gây bệnh, nhờ đó đã giảm được đáng kể tỷ lệ dịch bệnh tật và hao hụt. Nhờ quyết tâm ấy, ông đã có được chứng nhận VietGAP trên toàn bộ diện tích nuôi ếch.
Do được Metro ký hợp đồng bao tiêu và giao kế hoạch sản xuất cụ thể với giá cao hơn thị trường 1.000 - 2.000 đ/kg, nên trong năm 2015, ông Xuân đã nâng được sản lượng ếch lên tới 120 tấn. Toàn bộ chỗ ếch này đều được Metro thu mua với tổng giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong năm nay, ông Xuân tiếp tục nâng sản lượng ếch VietGAP lên 200 tấn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Metro.
Theo ông Lê Văn Cảnh, Quản lý thu mua ngành hàng thủy sản của Metro, đến nay, đã có 27 trang trại, nông hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh và Tiền Giang) có được chứng nhận VietGAP với sự hỗ trợ của Metro. Các loài thủy sản đã được chứng nhận là cá lóc, cá tra, cá rô phi, các thát lát hoa, cá chình và ếch. Số lượng các mã hàng được cấp chứng chỉ VietGAP và 41.
Bên cạnh đó, có 20 hộ đang được tập huấn và sẽ lấy chứng nhận này trong thời gian tới. Tổng diện tích đã được cấp chứng nhận và đang tập huấn VietGAP là 471.277m2, năng lực cung ứng từ 13.525 tấn/năm trở lên.
Các trang trại nuôi thủy sản VietGAP cung cấp trực tiếp cho Metro đều được kiểm tra tới 24 lần/năm, được kỹ sư nông học đến tư vấn kiểm tra chất lượng tại trang trại 2 lần/tháng.
Trong năm nay, Metro sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nuôi thủy sản đã có chứng nhận MetroGAP chuyển sang VietGAP, đồng thời phát triển thêm 6 loài thủy sản có chứng nhận VietGAP là tôm sú, tôm càng xanh, cá tai tượng, các chép giòn, cá lăng nha và cá trê.