Thực tế cho thấy tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đã đến sớm hơn dự báo và tác động ngày càng rõ nét ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Độ mặn tăng cao, lấn sâu vào nội địa (40 – 70km) – đặc biệt là phía hạ lưu sông Tiền. Vùng nuôi cá Tra tại Bến Tre bị nhiễm mặn gây chứng chậm lớn, xuất huyết, nổ mắt, phù đầu, TLC 30 – 50%... Hàu cũng bị chết hàng loạt tại Bình Đại - Bến Tre. Bên cạnh đó, nước thoát lưu kém, nguy cơ xì phèn, dịch bệnh cao, người nuôi thả giống ít dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận về các vấn đề quan trọng như định hướng của ngành thủy sản để thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn, nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; hiện trạng tiềm năng và hướng phát triển nghề nuôi cá biển Việt Nam; đánh giá tác động biến đổi khí hậu đối với nguồn lợi thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu khác nhau và các kịch bản trong hạ lưu sông Mê Kông.
Qua đó, một số giải pháp trước mắt được đưa ra như tăng cường nguồn nhân lực về quan trắc môi trường, ưu tiên vùng nuôi tập trung để cảnh báo sớm cho người nuôi; theo dõi diễn biến thời tiết và xây dựng kế hoạch ứng phó với xâm nhập mặn phù hợp; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị nhiên liệu bơm nước ngọt, hạn chế thả nuôi ở những vùng dọc sông Tiền; tổng hợp, phổ biến kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. Đối với các tỉnh ven biển ĐBSCL, Sở NN&PTNT các tỉnh cần thống kê, đánh giá thiệt hại theo từng phương thức nuôi, đề xuất giải pháp, mức hỗ trợ, đặc biệt đối với 3 tỉnh bị thiệt hại nặng (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng giải pháp ương tạm (gièo giống) trong ao đất hoặc ao lót bạt trước khi thả để nâng cao hiệu quả sản xuất. Người nuôi cũng cần tích cực cải tạo ao đầm để thả tiếp hoặc thả bù những diện tích tôm bị thiệt hại. Ngoài ra, cần phát triển mạnh các hình thức nuôi khác, nâng cao năng suất – sản lượng để bù số lượng thiếu hụt do thả chậm. Đối với các tỉnh nội đồng ĐBSCL, cần đưa cá tra nuôi vùng thấp lên vùng cao hơn, rà soát và không thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong nội đồng trái với quy hoạch và làm nhiễm mặn nguồn nước.
Về lâu dài, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực cho vùng ĐBSCL phù hợp với hạ tầng thủy lợi. Quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản thích ứng với xâm nhập mặn; hạ tầng khu vực nuôi tập trung/vùng tôm lúa... Ưu tiên nguồn lực đầu tư để nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại ĐBSCL; điều chỉnh, kiện toàn lại hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường cho vùng nuôi tập trung (cả trung ương và địa phương); cơ cấu lại đối tượng nuôi, mùa vụ sản xuất, áp dụng phương thức, hình thức nuôi phù hợp như: đảm bảo hệ thống giữ nước tự nhiên, kết hợp giữa trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản để phát triển các mô hình tôm lúa/tôm rừng ngập mặn. Phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế, chịu mặn và điều chỉnh khung lịch mùa vụ linh hoạt, phù hợp mỗi vùng. Về khoa học công nghệ cần phát triển các công nghệ mới phù hợp với hạn hán, xâm nhập mặn, tạo ra các giống chịu mặn (cấy/ chuyển gen…); công nghệ nuôi ít thay nước/ lọc tuần hoàn; sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh…
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường (TCC) theo hướng Hợp tác – Liên kết – Thị trường. Tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế hỗ trợ vùng ĐBSCL; các Bộ, ngành liên quan phối hợp điều tiết nước và tổ chức sản xuất, xây dựng quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và có chính sách hỗ trợ nhân dân sản xuất kịp thời.