Là tỉnh ven biển nên ngành Thủy sản có lợi thế để phát triển, trong đó chế biến thủy sản XK cũng tạo nên nhiều dấu ấn trong những năm gần đây.
Theo thống kê đến thời điểm hiện nay cho thấy, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản XK đang hoạt động, có tổng công suất chế biến đạt khoảng 180.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng. Hầu hết các DN chế biến XK đều được cấp Code XK sang thị trường châu Âu, chủ yếu là sản phẩm đông lạnh (cá tra fillet, tôm đông lạnh và nghêu đông).
Ngoài ra, tham gia vào hoạt động chế biến thủy sản còn có các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất thủ công, tổ chức sản xuất theo hình thức hộ gia đình, với những mặt hàng chủ yếu như: Nước mắm, mắm tôm chà, cá muối, cá khô, cá hấp, tôm khô… tập trung ở những vùng ven biển như huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công.
Trên bình diện tổng thể, sản phẩm thủy sản đông lạnh XK của Tiền Giang được đánh giá có lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN.
Đa số các DN chế biến thủy sản đều đã được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng HACCP, đạt được Code EU; sản phẩm đã xâm nhập vào thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật, EU.
Thống kê gần đây cho thấy, thị trường châu Âu chiếm trên 50% giá trị kim ngạch, châu Mỹ chiếm khoảng 20%, châu Á chiếm khoảng 18%, còn lại là các thị trường khác.
Thế nhưng, thách thức chính hiện nay là làm thế nào để duy trì tính ổn định và giảm chi phí giá thành sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng chế biến, đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ tinh chế sản phẩm.
Khuyến khích sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng:
Xuất phát từ thực tế và những vấn đề nội tại của ngành Thủy sản nói chung, chế biến XK nói riêng, Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được tỉnh xác định: Giai đoạn 2015 - 2020 không khuyến khích đầu tư mới cơ sở sản xuất sản phẩm sơ chế, chỉ khuyến khích nâng cấp cơ sở sơ chế hoặc đầu tư mới cơ sở sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng; vùng khuyến khích đầu tư mới là khu vực Cụm công nghiệp Song Thuận (huyện Châu Thành).
Trong giai đoạn 2021 - 2030 chỉ khuyến khích đầu tư mở rộng cơ sở sơ chế khi đã sử dụng hết công suất thiết kế; khuyến khích nâng cấp cơ sở sơ chế hoặc đầu tư mới cơ sở sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng; vùng khuyến khích đầu tư mới là khu vực cụm công nghiệp đã được quy hoạch ven sông Tiền.
Còn theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, thời gian qua sản lượng cá tra chế biến chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu sản phẩm thủy sản, chủ yếu là XK, các DN chưa quan tâm nhiều đến thị trường tiêu thụ nội địa. Những sản phẩm cá tra không đủ tiêu chuẩn XK như: Thịt vàng, thịt hồng, sản phẩm tận dụng sau fillet (để chế biến sản phẩm giá trị gia tăng)… được tiêu thụ nội địa, với tỷ trọng chỉ khoảng 2,5% tổng sản lượng chế biến.
Nhìn một cách công bằng, chế biến thủy sản XK của các DN trên địa bàn Tiền Giang có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo thống kê của Sở Công thương, giai đoạn 2011 - 2015 chế biến thủy sản tăng bình quân 12%/năm, thấp hơn giai đoạn trước (tăng 42%) do giá XK và nhu cầu tiêu thụ giảm, lượng tồn kho nhiều, một số DN phải giảm thời gian sản xuất hoặc cho công nhân tạm ngừng sản xuất trong một thời gian.
Chế biến thủy sản trong thời gian tới dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi giá XK và sản lượng nuôi trồng có xu hướng giảm cùng những vấn đề khác như rào cản thị trường, thuế chống bán phá giá cá tra, dịch bệnh. Đó là những vấn đề nội tại đang được đặt ra đối với ngành chế biến thủy sản nói riêng, ngành Nông nghiệp nói chung và cần có nhiều giải pháp để thay đổi và thích ứng.
Quy hoạch lại vùng nuôi cá tra:
Để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến XK phù hợp với định hướng phát triển, ngành Nông nghiệp đã quy hoạch lại vùng nuôi cá tra thương phẩm. Theo quy hoạch, tổng diện tích ao nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh đến năm 2020 là 180 ha (sản lượng thu hoạch 67.000 tấn) và đến năm 2030 là 280 ha (sản lượng thu hoạch 104.300 tấn), tập trung nhiều nhất ở huyện Cái Bè, với diện tích khoảng 20 ha đến năm 2020 và 80 ha đến năm 2030, tập trung ven sông Tiền thuộc xã Hòa Hưng, xã Hòa Khánh và thị trấn Cái Bè; huyện Cai Lậy với diện tích hơn 115 ha vào năm 2020 và hơn 195 ha vào năm 2030, tập trung ở cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp và xã Tam Bình. Riêng huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành vẫn giữ nguyên diện tích đang nuôi, không quy hoạch thêm ao nuôi mới.
Nếu so với các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều DN chế biến thủy sản XK trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối lớn, với lượng kim ngạch XK hằng năm khá lớn như: Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty TNHH Đại Thành...
Kết thúc năm 2017, thủy sản được xem là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của cả nhóm hàng nông, thủy sản XK, với kim ngạch đạt được khoảng 410 triệu USD, tăng đến 43%, với mặt hàng chủ yếu là cá tra chiếm khoảng 90% trị giá trong kim ngạch XK thủy sản, còn lại là nghêu, sò, mực, thủy sản đóng hộp.
Đánh giá về tình hình chế biến XK thủy sản thời gian qua, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền cho biết, với lợi thế là chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (diện tích vùng nuôi khoảng 45 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 18.000 tấn mỗi năm) và thị trường tiêu thụ truyền thống nên hoạt động chế biến XK của công ty thời gian qua tương đối ổn định.
Đặc biệt là trong năm 2017 vừa qua, dù chịu không ít tác động của thời tiết nhưng công ty vẫn XK được khoảng 5.000 tấn sản phẩm, với kim ngạch XK khoảng 10 triệu USD. “Một trong những lợi thế của công ty là cả 2 nhà máy chế biến đều được trang bị công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, được cấp Code XK sang châu Âu, được chứng nhận các tiêu chuẩn HACCP, BRC, IFS… nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và tiêu thụ ổn định”- bà Ánh cho biết.
Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), một trong những DN có quy mô khá lớn cho biết, lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, XK thủy sản nói chung gần đây đã đạt được những thành công rất lớn. Sự tăng trưởng của ngành Thủy sản nhờ vào nhiều yếu tố, nhất là nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới đang ở mức rất cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
“Năm 2018 được dự báo cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, nên các chỉ tiêu của ngành Thủy sản sẽ tiếp tục tăng tốc. Để đạt được mục tiêu này, GODACO tiếp tục nâng cấp 2 nhà máy chế biến, nâng công suất từ 180 tấn nguyên liệu/ngày lên khoảng 220 tấn nguyên liệu/ngày. Tất nhiên, trong sản xuất - kinh doanh không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, nhất là trong ngành Thủy sản rất dễ bị tác động của rất nhiều yếu tố như thời tiết, rào cản thương mại, cơ chế chính sách nên mỗi DN cần có chiến lược riêng để thích ứng”- ông Đạo cho biết.