Thái Nguyên: Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 1.200 tấn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 6.000ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, gồm 1.500ha ao, hồ nhỏ; gần 4.000ha hồ chứa thủy lợi; 500ha ruộng kết hợp nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt trên 10.600 tấn, tăng 1.200 tấn so với cả năm 2016.
Có được kết quả trên là do thời gian qua, các hộ chăn nuôi thủy sản tích cực mở rộng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bằng các giống thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao.Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản thâm canh,2.000ha nuôi bán thâm canh và gần 3.400ha nuôi quảng canh. Các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao (như cá chép lai, cá tầm, trê, cá chim, rô phi đơn tính,ba ba, lươn, ếch...) được người dân đưa vào nuôi ngày càng phổ biến, với tỷ lệ đạt trên 40% tổng diện tích.
Với mục tiêu đưa sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 15.500 tấn vào năm 2020, thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tận dụng toàn bộ diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi để nuôi trồng thủy sản trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa khai thác thủy lợi với nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác. Đồng thời, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại với quy mô khoảng 500ha, chiếm trên 50% diện tích nuôi thâm canh trên địa bàn tỉnh...
Hậu Giang: Thả nuôi 7.143ha thủy sản
Từ đầu tháng 11 đến nay, nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi được gần 80ha thủy sản, tăng 1,1% so với cùng kỳ, chủ yếu là nuôi ở ao, mương, nâng tổng số từ đầu năm đến nay lên 7.143ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,cá tra thâm canh nuôi được 136,6ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh trong tháng đạt 4.524 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ,trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.275 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ;cá tra nuôi thâm canh được 1.510 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 60.252 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ, trong đó cá tra thâm canh đạt 29.543 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai cho hộ dân ký cam kết nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 626 hộ.
Điện Biên: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè
Ngày 27/11/2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên tổ chức hội thảo đánh giá mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau 6 tháng triển khai mô hình bước đầu nhận thấy cá diêu hồng có đặc điểm sinh học phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường nước tại 2 điểm trình diễn được lựa chọn. Điều đó được thể hiện qua các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể: Tỷ lệ sống của đàn cá đạt 87% (tăng 17%); Trọng lượng cá sau thời gian nuôi 5 tháng đạt bình quân 600 gram/con; Năng suất đạt 52,7 kg/m3 (tăng 12,5 kg); Hệ số thức ăn đạt 1,63 (giảm 0,37kg).
Theo tính toán với giá bán bình quân tại thời điểm cá đạt trọng lượng 600 gram/con là 35.000 đồng/kg thì mô hình sẽ thu lợi nhuận hơn 31.000.000 đồng/200m3 lồng trong thời gian nuôi 5 tháng.
Long An: Nuôi ghép tôm sú và cua biển
Ngày 29/11, Trung tâm Khuyến nông Long An phối hợp Trạm khuyến nông huyện Cần Giuộc tổ chức Hội thảo chuyên đề nuôi ghép tôm sú và cua biển theo hình thức quảng canh cải tiến. Hơn 100 nông dân nuôi tôm ở các xã vùng hạ đến dự.
Tại hội thảo, ông Phạm Phú Hùng (PGĐ TTKN) trình bày phương pháp và hiệu quả nuôi ghép tôm sú và cua biển. Đồng thời, hướng dẫn một số quy trình, kỹ thuật và cách thức nuôi ghép tôm sú và cua biển theo hình thức quảng canh cải tiến.
Thông qua hội thảo, giúp nông dân nuôi tôm các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc hiểu thêm về mô hình nuôi ghép giữa tôm sú và cua biển; nắm vững một số quy trình, kỹ thuật, cách thức nuôi ghép theo hình thức quảng canh cải tiến nhằm đem lại hiệu quả và năng suất cao.
Huế: 81 tấn cá ở 1.300 lồng nuôi của 360 hộ chết trắng, thiệt hại hơn 8 tỷ đồng
Ngày 28/11, thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế cho biết, đã có hơn 1.000 lồng nuôi cá của 500 hộ dân ở khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc) bị chết hàng loạt.
Theo đó, trong nhiều ngày qua, cá nuôi lồng của các hộ dân trong khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình của Phú Lộc (TT- Huế) đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch thì bị chết hàng loạt.
Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, xã Vinh Hiền là địa phương chịu thiệt nặng nhất với số lượng trên 81 tấn ở 1.300 lồng nuôi của 360 hộ, tổn thất khoảng hơn 8 tỷ đồng. Còn xã Lộc Bình cũng bị chết gần 30 tấn cá nuôi của 152 hộ nuôi.
Được biết, cá nuôi chết lần này ở 2 xã nói trên là các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá vẩu, cá mú… trong lượng khoảng 1kg và có thời gian nuôi 8- 9 tháng.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, việc đầm phá bị ngọt hóa nên cá vùng này có thể tiếp tục bị chết, cho nên ngư dân cần khẩn trương thu hoạch, tiêu thụ để bảo đảm thu hồi một phần vốn đầu tư.