1. Tuy An: Hơn 18ha tôm nuôi mắc bệnh
Đến thời điểm này, huyện Tuy An đã xuống giống thả nuôi được hơn 200ha tôm vụ II/2017, chủ yếu tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nên hiện có hơn 18ha tôm thả nuôi từ 25-30 ngày tuổi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp, tập trung tại các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa và An Ninh Đông.
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã phân bổ cho huyện Tuy An 5,5 tấn Sodium Chlorite 20% nhằm hỗ trợ cho các xã và các hộ dân có tôm nuôi bị bệnh để xử lý môi trường vùng nuôi, hồ nuôi. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn ở huyện tiếp tục phối hợp giám sát, kiểm tra dịch bệnh tại các vùng nuôi, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện các biện pháp để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan sang diện rộng.
Được biết, trong vụ I/2017, huyện Tuy An đưa vào thả nuôi 545ha tôm sú và tôm thẻ; trong số đó có hơn 33ha tôm nuôi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng khiến năng suất thu hoạch đạt thấp.
2. Phát hiện xe tải chở hơn 900kg tôm bơm tạp chất tại Cà Mau
Công an tỉnh Cà Mau đã phát hiện và bắt giữ xe tải chở hơn 900kg tôm thẻ nguyên liệu bị bơm chích tạp chất trên địa bàn.
Xe tải này lưu thông theo hướng Quốc lộ 63 thuộc huyện Thới Bình ra thành phố Cà Mau. Toàn bộ số tôm chứa tạp chất của ông Lưu Quốc Cường, thường trú tại xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình.
Theo điều tra ban đầu, ông Lưu Quốc Cường đã thừa nhận vì mục đích lợi nhuận nên thu mua tôm thẻ nguyên liệu của người dân ở cùng địa phương về bán lại cho một số xí nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cà Mau để kiếm lời. Ông Cường không biết tôm bị bơm chích tạp chất.
3. Đã xác định nguyên nhân ốc hương chết ở Ninh Hòa
Chi cục Chăn nuôi và Thú y vừa có kết luận về nguyên nhân ốc hương nuôi tại thị xã Ninh Hòa bị chết. Theo đó, ốc chết là do nhiễm ký sinh trùng nặng, gồm trùng lông và vi khuẩn vibrio. Kết quả do Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đưa ra sau khi xét nghiệm mẫu xác định tác nhân gây bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, vùng nuôi ốc hương không bị ảnh hưởng của ô nhiễm công nghiệp hay sinh hoạt dân cư. Tuy nhiên, 40% lượng giống nhập từ TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Hầu hết đìa nuôi ốc chưa trang bị dụng cụ đo môi trường nên khó kiểm soát các yếu tố môi trường đìa nuôi để xử lý kịp thời. Ngoài ra, tình hình thời tiết thời gian gần đây có nhiều biến động, các đợt áp thấp, mưa lớn làm thay đổi các yếu tố môi trường ao nuôi, dẫn đến giảm sức khỏe các loài thủy sản nuôi.
Hiện tượng ốc hương chết rải rác và hàng loạt tại các xã: Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) bắt đầu từ giữa tháng 7. Vùng nuôi rộng 300ha, trong đó xã Ninh Thọ chiếm 1/2, diện tích thiệt hại gần 80ha.
4. Quảng Nam: Ngư dân bội thu mùa biển
Theo thông tin từ UBND xã Bình Minh, với số lượng tàu thuyền gần 200 chiếc, không tăng so với năm 2016, nhưng từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác của ngư dân trong xã đã đạt gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính đến cuối tháng 5, sản lượng đánh bắt hải sản các loại của xã đã đạt đến con số 7.500 tấn, bằng 75% chỉ tiêu kế hoạch năm của xã, chiếm gần 45% về chỉ tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Thăng Bình. Nhiều ngư dân cho biết các chuyến biển năm nay rất được mùa, giá bán lại cao nên thu nhập mấy tháng đầu năm khá cao. Cũng một tấn cá sòng hoặc cá ngừ khai thác được trong cùng thời điểm này, ngư dân có thể bán với giá cao gấp hai, ba lần so với năm ngoái. Những tàu lưới vây, chụp mực có ngày trúng đậm hàng tấn cá, mực, thu về khoảng vài trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, giá mực xà câu ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa năm nay cũng tăng vọt. Năm ngoái mỗi ký mực khô bán giá cao nhất cũng chỉ ở mức 60 nghìn đồng, còn năm nay giá mỗi ký lên đến hơn 100 nghìn đồng. Một chuyến biển câu mực xà hơn 2 tháng, nhiều ngư dân đạt sản lượng khoảng 7 - 8 tạ mực khô, trừ chi phí chuyến đi, mỗi người thu về 60 - 70 triệu đồng.