Aeromonas hyrophila thuộc nhóm Aeromonas di động và là tác nhân chủ yếu gây bệnh nhiễm trùng huyết (MAS), cũng là tác nhân cơ hội (thứ cấp) (Robert, 1993). Bệnh do A. hydrophila gây ra được gọi là bệnh "Đốm đỏ" (Huizinga et al., 1979). Trong điều kiện bình thường, A. hydrophila không gây bệnh đối với các sinh vật sống, nhưng khi môi trường ô nhiễm, cá bị stress, thay đổi sinh lý đột ngột hay bị nhiễm những mầm bệnh khác thì A. hydrophila là tác nhân gây bệnh tiềm tàng (Plumb et al., 1976; Fang et al., 2000). A. hydrophila trở thành một tác nhân gây bệnh trầm trọng trong nghề nuôi cá thâm canh do tăng sức tải môi trường, sinh lý cá nuôi bị rối loạn (Shaw và Squires, 1984).
Khi điều kiện môi trường thuận lợi, A. hydrophila tăng sinh rất nhanh và sản sinh ra độc tố ECP rất nhiều, đây là nguyên nhân gây bệnh đột ngột cho cá và thậm chí làm cá chết ngay (Allan và Stevenson,1981; Yadav et al., 1992; Vivas et al., 2004a).
Tinh dầu sả là được chiết xuất hơi nước từ lá và thân cây sả, có chứa một lượng Vitamin thiết yếu như Vitamin A, B3, B5, B1, B2, B6, Folate và Vitamin C. Cùng với các loại Vitamin thì nó còn chứa các loại khoáng chất rất cần thiết như magie, phốt pho, kali, canxi, mangan, đồng, kẽm và sắt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy tinh dầu sả giúp cá nheo tăng cường đề kháng với các mầm bệnh từ vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nước lạnh (Freitas Souza, 2017).
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của việc bổ sung chiết xuất tinh dầu từ cây sả Lippia alba (EOLA) đối với hiệu suất tăng trưởng, các thông số sinh hóa và huyết học cũng như sự sống sót sau khi gây nhiễm thực nghiệm với vi khuẩn Aeromonas spp. nhiễm trùng trên cá rô phi Nile (Oreochromis niloticus).
Sử dụng của tinh dầu sả trên cá
Năm chế độ ăn khác nhau được chuẩn bị với các mức độ bổ sung của tinh dầu sả EOLA khác nhau: Đối chứng 0.0; 0.25; 0.50; 1.0; và 2.0 ml / kg. Sau 45 ngày cho ăn, cá sẽ được gây nhiễm thực nghiệm đối với vi khuẩn xuất huyết Aeromonas spp. trong khoảng thời gian 14 ngày sau đó cá nhà khoa học sẽ đánh giá tỷ lệ sống của cá.
Kết quả phân tích cho thấy không có tử vong trong quá trình đánh giá tăng trưởng. Việc bổ sung 2.0 ml tinh dầu sả/ kg thức ăn trong chế độ ăn đã giúp cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và tình trạng sức khỏe cá cũng như tăng cường hoạt động của lysozyme và hematocrit (Hct). Đồng thời ở chế độ ăn này đã giúp giảm nồng độ globulin huyết tương so với nhóm chứng. Các thông số này hoàn toàn thuận lợi cho hoạt tăng trưởng và khả năng miễn dịch của cá.
Sự sống sót của cá sau khi bị nhiễm vi khuẩn Aeromonas spp. cao hơn đáng kể ở những nhóm cá được cho ăn bằng chế độ ăn với tinh dầu sả ở mức 2.0 ml EOLA / kg so với cá được cho ăn bằng chế độ ăn tinh dầu sả từ 0,0–0,5 ml/ kg. Qua đó cũng cho thấy việc bổ sung tinh dầu sả đã giúp cá rô phi tăng cường khả năng đề kháng đối với mầm bệnh do vi khuẩn gây ra.
Kết luận
Từ các kết quả phân tích trên, các nhà khoa học kết luận rằng việc bổ sung tinh dầu sả EOLA vào chế độ ăn ở mức 2.0 ml/kg được khuyến cáo là rất có lợi, bởi vì chúng đã giúp cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn, hoạt động của bạch cầu và hoạt động miễn dịch không đặc hiệu khác của cá. Đồng thời loài thảo mộc này cũng giúp cơ thể cá tăng cường khả năng đề kháng đối với mầm bệnh.
Bài báo đã cung cấp cho người nuôi một thảo mộc hết sức phổ biến và gần gũi đối với người Việt Nam, đồng thời đưa ra một liều lượng bổ sung chính xác giúp cơ thể cá giúp cá tăng trưởng và miễn dịch tốt hơn.