Trước thực trạng trên, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP để quy hoạch và đưa ra các quy chuẩn đối với việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Các địa phương đã tập trung rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra ở địa phương. Việc làm này nhằm đẩy nhanh triển khai cấp mã số ao nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, ứng dụng và chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGap). Chương trình VietGAP là chương trình mang tính dài hạn, vì vậy cần xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp với khả năng triển khai áp dụng, đáp ứng xu thế của yêu cầu thị trường và cần phải thực hiện ngay từ lúc này. Áp dụng VietGAP để phát triển bền vững, để khẳng định chất lượng sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra, giúp nâng cao chuổi giá trị cho cá tra từ trang trại đến bàn ăn, góp phần để các tra phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo lợi ích người nuôi cũng như nhà chế biến xuất khẩu, là cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, BAP,ASC…
Cá tra Việt Nam hiện nay có không ít hơn 9 bộ tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế của các tổ chức phi chính phủ đặt ra như: GlobalGAP, ASC, MSC, AquaGAP, BAP, SQF 1000…Các tiêu chuẩn chủ yếu dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) theo 4 khía cạnh về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe động vật và an sinh xã hội. Thị trường khác nhau yêu cầu tiêu chuẩn khác nhau như: các nước Tây Âu yêu cầu dán nhãn GlobalGAP, Mỹ yêu cầu tiêu chuẩn BAP và Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ yêu cầu ASC. Tuy nhiên, Đông Âu và các nước Châu Phi hiện nay không cần chứng nhận mà là sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của họ. Ngoài ra, vấn đề chất lượng và số lượng sản phẩm đạt chứng nhận hiện nay cũng chưa minh bạch trên thị trường. Sự việc năm 2014, Walmart mua sản phẩm đạt 2* theo tiêu chuẩn BAP khoảng 11 triệu pound, trong khi đó toàn thị trường Mỹ nhập sản sản phẩm này khoảng 50 – 60 triệu pound. Khi đó, tổng sản lượng fillet cá tra Việt Nam đạt BAP 2* năm 2014 là 18,2 triệu pound theo tổ chức chứng nhận (GAA), nhưng họ lo lắng sản phẩm pangasius mà họ mua không hoàn toàn đều là sản phẩm được chứng nhận BAP 2*. Hiện nay, người nuôi cá tra khó khăn trong việc định hướng áp dụng tiêu chuẩn nào là có hiệu quả nhất.
Tính đến 30/10/2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích 686 ha. Trong đó, cá tra diện tích đạt chứng nhận VietGAP lớn nhất có 42 cơ sở nuôi cá tra chiếm 361,5ha; 23 cơ sở tôm thẻ chân trắng; 3 cơ sở nuôi tôm sú; 2 cơ sở nuôi cá rô phi; 1 cơ sở nuôi cá lóc; 1 hợp tác xã hôi tôm càng xanh; 1 hợp tác xã nuôi cá song; 1 cơ sở nuôi lươn và 1 cơ sở nuôi cá Điêu hồng.
Hình thành hợp tác sản xuất theo VietGap
Việc hình thành hợp tác xã sản xuất cá tra theo VietGAP là một bước đi mới giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết với doanh nghiệp sản xuất chế biến trong sản xuất. Điều này giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp cung cấp thức ăn con giống, thuốc, cơ sở hạ tầng nuôi tập trung và dễ kiểm soát. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn đinh, truy xuất được nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát, giảm thiểu được chi phí vận chuyển. Do đó việc áp dụng VietGAP sẽ dễ dàng triển khai hơn, giảm được chi phí chứng nhận. Hiện nay, đã có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nuôi như: Công ty TNHH Hùng Vương và công ty cung cấp thức ăn thủy sản Sao Mai, mô hình đã dần đi vào sản xuất ổn định, đồng thời mở rộng diện tích nuôi lên 2,8 ha. Công ty TNHH Phát Tiến nhà máy chế biến của hoạt động với công suất 180 tấn nguyên liệu/ngày. Để có nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng, thời gian qua, Công ty liên kết với các hộ nông dân để nuôi cá tra nguyên liệu. Theo đó, công ty cung cấp cơ sở hạ tầng, vốn và con giống, thức ăn, thuốc thủy sản cho người nuôi. Khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường. Lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ 1:3 cho nông dân và doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này, Phát Tiến đã đầu tư cho 10 hộ nuôi cá tra với diện tích 40 ha.