Theo kết quả quan trắc của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Cà Mau, môi trường nước phục vụ cho nuôi tôm chuyển biến theo chiều hướng xấu, gây bất lợi cho tôm nuôi như độ mặn, nhiệt độ, pH… tăng cao, một số khu vực sâu trong nội đồng nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm do việc xả thải từ các ao nuôi tôm bị chết và khả năng trao đổi nước kém.
Dự báo trong thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình nắng hạn vẫn tiếp tục gay gắt, xen kẽ với những cơn mưa đầu mùa gây bất lợi cho tôm nuôi, dẫn đến khả năng dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát.
Để phòng ngừa tình trạng tôm chết tiếp tục xảy ra và lây lan trên diện rộng, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản khuyến cáo bà con nuôi tôm không nên nóng vội thả giống vào thời điểm hiện nay, nên chờ khi tình hình thời tiết ổn định, môi trường nước cải thiện mới tiến hành thả giống.
Trong quá trình chuẩn bị ao, đầm nuôi cần xây dựng ao lắng để xử lý và trữ nước kịp thời cung cấp vào ao nuôi khi cần thiết. Khi thả nuôi cần xét nghiệm các loại vi-rút, vi khuẩn, chọn lựa giống có chất lượng tốt.
Cần theo dõi môi trường và sức khoẻ tôm nuôi thường xuyên để kịp thời xử lý khi có những diễn biến bất thường xảy ra. Định kỳ dùng các loại sản phẩm như: vôi, dolomite, chế phẩm sinh học để xử lý ổn định môi trường, giúp cho tôm thích nghi và phát triển tốt. Bổ sung vào thức ăn các loại sản phẩm tăng cường sức đề kháng như: vitamin C, Beta Glucant, các loại premix…
Nên thả nuôi mật độ thấp, từ 15-18 com/m2 đối với tôm sú và từ 50-60 con/m2 đối với thẻ chân trắng. Bà con nuôi tôm cần áp dụng quy trình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh do Tổng cục Thuỷ sản hướng dẫn. Đây là quy trình nuôi được đúc kết từ thực tiễn sản xuất của nhiều địa phương trong cả nước và triển khai nhân rộng đạt kết quả khá cao trong thời gian qua.