Chảy máu khu Ramsar
VQG ngập mặn Mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau với tổng diện tích tự nhiên khoảng 41,8.000 ha, khu bảo tồn (vùng lõi) trên 15.000 ha, riêng thảm cây rừng trên 8.000ha.
Mới đây vườn được công nhận là một trong những điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng những loài sinh học, động thực vật. Ở đây có nhiều loài động thực vật được công nhận trong danh mục sách Đỏ của Việt Nam và IUCN.
Trong năm 2013, VQG Mũi Cà Mau đã chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam (khu Ramsar là khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế - Công ước Ramsar 2.2.1971).
Theo Tổ chức sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), rừng nước mặn ven biển rất đa dạng hệ sinh thái, nhiều loại thuỷ hải sản có giá trị cao như: Tôm, cua... Rừng hấp thụ cacbon, hình thành tính chất đất, quá trình quang hợp và chu trình biến đổi vật chất, dinh dưỡng, chu trình nitơ, phốtpho... giảm tác động của biến động nhiệt độ và điều hoà nước mưa, giảm tốc độ tuần hoàn của nước, tăng thêm các hoạt động ngưng tụ trong khí quyển vượt trội so với rừng khác rất nhiều lần.
Ông Bá Truyền chăm sóc những cây đước mới trồng.
Theo ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau - từ năm 2009 – 2013 đã có gần 20ha rừng nước mặn của tỉnh bị mất đi. Còn theo ông Đặng Minh Lâm - Trưởng phòng Lâm sinh - thuỷ sản VQG Mũi Cà Mau - hiện trong vùng lõi của rừng vẫn còn khoảng 2.000 hộ dân đang sinh sống và tình trạng chặt phá rừng vẫn thường xuyên xảy ra, khiến cho công tác giữ rừng thêm khó khăn.
Theo thống kê thì mỗi năm mất khoảng 0,2% cây rừng trên tổng số 8.000ha thảm rừng trong khu bảo tồn rừng ngập mặn.
Nuôi tôm cua dưới tán rừng
Ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau - cho biết, để bảo vệ rừng ngập mặn, tỉnh Cà Mau đang áp dụng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, khoán rừng cho các hộ gia đình trồng mới thêm rừng và kết hợp kinh doanh.
Mới đây, hơn 780 hộ dân trong tổng số gần 2.000 hộ gia đình đang sinh sống trong rừng ngập mặn Nhưng Miên đã được dự án nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế, thực hiện bởi Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và IUCN (viết tắt M&M) tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sú sinh thái kết hợp việc bảo vệ và trồng mới cây rừng.
Ông Lương Bá Truyền - ấp Kinh Ráng (xã Viễn An Đông, huyện Ngọc Hiển) - cho biết gia đình ông có hơn 2ha đất rừng, vừa được dự án M&M hỗ trợ gần 20 triệu đồng để cải tạo, đầu tư thêm để xây mới ao nuôi tôm. Chỉ với 2ha đất rừng nhưng do được tập huấn kỹ về kỹ thuật nuôi tôm nên vụ thu hoạch cuối tháng 5 vừa rồi, trừ hết các chi phí, gia đình ông Truyền vẫn thu về được hơn 270 triệu đồng tiền lãi.
Khác với những hộ dân sống trong khu vực rừng được làm kinh tế, diện tích 9,5ha rừng của hộ ông Nguyễn Văn Nhuần ở ấp Cồn Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) nằm trong khu vực rừng bảo tồn nên không được khai thác cây rừng mà chỉ được khai thác mặt nước.
Đông con, cuộc sống gia đình ông Nhuần trước kia luôn thuộc diện khó khăn. Từ khi có mô hình nuôi tôm sinh thái được tự nuôi thả tôm, cua trên 40% diện tích mặt nước của hơn 9ha đất rừng đã cho thu nhập ổn định, hộ gia đình ông Nhuần đã thoát nghèo.
Khách du lịch hạnh phúc khi tự câu được một chú cua gạch tại khu du lịch của hộ ông Nhuần.
Đầu năm 2013 gia đình ông Nhuần và 4 hộ gia đình khác trong khu vực này đã được Tổ chức Sidas (Thụy Điển) đầu tư kỹ thuật và hướng dẫn làm du lịch kết hợp với nuôi tôm, cua sinh thái trên chính diện tích đất rừng được giao.
Ông Nhuần cho biết: “Tháng đầu tiên khi khu du lịch hộ nhà ông chỉ có chưa đến 10 du khách/tháng, sau đó tăng đều ở những tháng kế tiếp. Đặc biệt, trong tháng 11.2013 đã có hơn 300 lượt du khách tới thăm và nghỉ lại khu du lịch”. Với tiền lãi tính nhanh 50.000 đồng/ du khách, mỗi tháng gia đình ông Nhuần cũng có thu nhập trên 15 triệu đồng từ tiền làm du lịch.
Ông Tạ Minh Mẫn - Phó Giám đốc Ban quản lý RPH Nhưng Miên cho biết, trước kia các hộ dân chủ yếu sinh sống bằng việc chặt cây phá rừng đốt lấy than rồi bán. Nay, nhiều gia đình đã mua được tivi, xuồng máy lớn và cất nhà to hoàn toàn từ tiền bán tôm, cua và sản vật từ nguồn cung cấp của rừng ngập mặn. Bước đầu con tôm, con cua nuôi thả sinh thái thông qua sự tư vấn, đầu tư khởi xướng của M&M đã làm thay đổi cách suy nghĩ, hành động của người dân về bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng.