Kết quả quan trắc gần đây nhất tại 4 vùng nuôi tôm hùm do Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3-Nha Trang) cho thấy các vùng nuôi tập trung như xã Xuân Thịnh, Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) và xã An Hòa (huyện Tuy An) đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ, mật độ vi khuẩn vibrio tổng hợp đều vượt giới hạn cho phép từ 1,8 lần đến 3 lần, đồng thời, một số loài tảo độc vẫn còn xuất hiện.
Các loài tảo này gây suy giảm chất lượng nước và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của tôm hùm, nếu kéo dài tôm sẽ chết.
Thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên với số lồng nuôi năm nay gần 22.000 lồng nhưng do dịch bệnh nên tỷ lệ tôm hùm chết lên đến 25%.
Riêng tại xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) có gần 16.000 con tôm hùm trọng lượng từ 0,6 kg đến 0,8 kg/con của 80 hộ nuôi bị bệnh và chết với các dấu hiệu đỏ thân, bệnh sữa, đen mang.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi cần chú ý thường xuyên vệ sinh lồng bè, nên giảm mật độ tôm trong lồng nuôi từ 80 đến 90 con/lồng xuống còn 50 con/lồng; quản lý kỹ thức ăn cho tôm không để dư thừa, bổ sung định kỳ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Các vùng nuôi xuất hiện tảo độc khá nhiều như xã Xuân Thịnh, phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) và xã An Hòa (huyện Tuy An) thường xuyên thu gom, xử lý chất thải đúng nơi quy định nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm thủy vực nuôi và ngăn ngừa tảo độc phát triển.
Bên cạnh đó, giá tôm hùm cũng đang giảm mạnh do phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc. Nếu như năm 2014, tôm hùm loại 1 (sau 18 tháng nuôi) giá từ 2,3 triệu đến 2,5 triệu đồng/kg thì hiện nay giảm xuống còn 1,27 triệu đồng đến 1,35 triệu đồng/kg nên người nuôi thiệt hại nặng.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nghề nuôi tôm hùm tập trung nhiều ở các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa với 53.000 lồng nuôi và hàng năm cho sản lượng khoảng 1.600 tấn, trong đó tỉnh Phú Yên có 24.000 lồng, chiếm hơn 45% số lồng nuôi trong khu vực 4 tỉnh nói trên./.