Người nuôi tôm ở Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) phải bán rẻ những con tôm sắp chết chưa đến kỳ thu hoạch - Ảnh: NGUYỄN LƯU
Ba tháng nay, người nuôi tôm hùm lo bạc mặt vì nguy cơ nợ nần. Các đơn vị chức năng của ngành thủy sản xuôi ngược khảo sát các vùng tôm bị bệnh tìm đủ cách cứu tôm. Thế nhưng tình trạng tôm chết hàng loạt vẫn chưa được chặn lại.
Tôm vẫn chết tiếp
Tại vùng nuôi tôm hùm cao sản ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, từ đầu năm đến nay tôm chết gây thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng. Vùng nuôi thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - nơi được mệnh danh là “vương quốc tôm hùm” - bị thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng vì tôm chết.
Ông Hoàng Văn Năm - cục trưởng Cục Thú y - cho hay sau khi nhận được báo cáo về tình hình bệnh tôm hùm diễn biến phức tạp ở Khánh Hòa và Phú Yên, Cục Thú y đã chỉ đạo thành lập đoàn khảo sát có đại diện Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương, Cơ quan Thú y vùng 4, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.
Đầu tháng 3-2012, đoàn đã lấy mẫu bệnh và kết quả xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh do nấm Fusarium solani, nấm Vibrio và thể virút. Tôm hùm chết ở Nam Trung bộ đều mắc các bệnh như đen mang, đỏ thân, long đầu và bệnh sữa. Cục Thú y đã đề nghị các địa phương trộn thuốc trị bệnh, thuốc kháng sinh và thuốc bổ vào trong thức ăn của tôm, giữ môi trường nước luôn sạch...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, sau khi có thông tin bệnh tôm, bộ đã chỉ đạo địa phương và ngành liên quan áp dụng một số phác đồ điều trị mới. Tuy nhiên tình trạng tôm chết vẫn chưa dừng lại, có thể do người dân áp dụng chưa đúng quy trình hoặc do môi trường tiếp tục thay đổi.
“Hiện bộ đã chỉ đạo Cục Thú y tham gia nghiên cứu dịch tễ và thiết lập các phác đồ điều trị mới. Vấn đề thử nghiệm các phác đồ điều trị đã được triển khai và có tiến triển, tuy nhiên vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh và đưa ra phổ biến rộng rãi” - bà Thu cho biết.
Do nuôi tràn lan và quá dày
Ông Đào Văn Lương, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), cho biết tôm chết do số lượng lồng tôm tăng quá nhiều và do tránh bão hồi cuối năm ngoái người nuôi phải di dời lồng tôm, nên mật độ nuôi tôm quá dày. “Quy hoạch chỉ cho phép khoảng cách giữa cụm bè này với cụm bè kia phải đạt tối thiểu 100m. Nhưng hiện nay trong vùng tôm chết nhiều, các bè tôm nằm san sát nhau, ước tính mật độ dày gấp hơn ba lần so với tiêu chuẩn trong vùng quy hoạch” - ông Lương phân tích.
Bà Trịnh Thị Ái Linh - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên - khẳng định nguyên nhân gây ra dịch bệnh như hiện nay do mật độ nuôi tôm quá dày. Quy định chỉ 30-60 lồng/ha nhưng ở thị xã Sông Cầu nuôi 75 lồng/ha. Ngoài ra mật độ tôm nuôi quy định chỉ 50 con/lồng, nhưng ở đây nuôi với mật độ cao hơn 2-4 lần.
Tại hội nghị bàn cách khẩn cấp cứu tôm hùm do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 23-3 ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Vũ Duy Điền - vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - cho rằng ở vùng nuôi tôm hùm Nam Trung bộ người nuôi không tuân thủ quy định, nuôi quá dày nên làm tăng nhanh độ ô nhiễm vùng, bệnh xuất hiện nhiều, tỉ lệ sống của tôm hùm giảm dần.
Cũng tại hội nghị trên, bà Trịnh Thị Ái Linh thừa nhận: “Hầu hết vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều chưa có quy hoạch chi tiết, hoạt động nuôi đều phát triển tự phát”. Bà Linh đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần sớm xây dựng tiêu chuẩn ngành trong việc nuôi tôm hùm để có cơ sở trong công tác quy hoạch và quản lý.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: “Bộ đã đề nghị các địa phương quy hoạch vùng nuôi và có chương trình giám sát về môi trường, dịch bệnh để có thể chủ động hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên thực tế người dân chưa tuân thủ quy định, địa phương cũng chưa thật sự quyết liệt thực hiện quy định. Một số địa phương mới có quy hoạch vùng nuôi nhưng chưa có quy hoạch chi tiết nên người nuôi còn mang tính chất tự phát và thiếu kiểm soát”.
Chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật
Theo TS Võ Văn Nha - phó giám đốc Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3), tại các vùng nuôi tôm cũng mất kiểm soát ở khâu kỹ thuật.
Trong quá trình đi tập huấn, tôi thấy người dân chỉ nuôi tôm theo kinh nghiệm là chủ yếu, không quan tâm đến kỹ thuật, không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Tôi nghĩ các chi cục nuôi trồng thủy sản, phòng nông nghiệp huyện cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi, cách phát hiện và xử lý bệnh cho tôm hùm” - TS Võ Văn Nha cho biết.