Tôm tăng giá
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, nuôi tôm hùm tại Bãi Tranh nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa xuất bán tôm với giá 1,6 triệu đồng/kg tôm loại 1. So với tháng 9-2012, mỗi ký tôm tăng lên 600.000 đồng, tính ra lần xuất bán này gia đình chị thu thêm được hơn 300 triệu đồng. Tuy vậy, chị Ngân cho biết những năm trước giá tôm chỉ 1,2 triệu đồng, người nuôi đã đủ thu hồi vốn và bắt đầu có lời, nay giá tôm 1,6 triệu thì người nuôi cũng chỉ mới hòa vốn bởi chi phí đầu vào quá cao. Giá tôm giống lúc trước chỉ 200.000 đồng/con, năm nay đã lên đến 400.000 đồng/con do khan hiếm con giống và tôm thương phẩm lên giá. “Giống đắt vậy, nhưng mua không khéo sẽ bị chết hoặc tôm chậm lớn. Bây giờ, giá có tăng hơn năm ngoái, nhưng người nào nuôi khéo thì lời được chút ít thôi” - chị Ngân chia sẻ.
Bên cạnh đó, giá cá làm thức ăn cho tôm hùm trong năm nay cũng tăng nhanh từ 9.000 lên 12.000 đồng/kg, có lúc lên đến 14.000 đồng, đẩy chi phí thức ăn bình quân tăng từ 300.000 lên 400.000 đồng/con. Anh Nguyễn Chí Lem, người có kinh nghiệm 10 năm nuôi tôm tại Bãi Tranh cho biết, mấy năm gần đây tỷ lệ tôm chết, hao hụt ngày càng cao, đến nay đã lên đến khoảng 40%. Chính vì vậy, tuy tôm đã lớn nhưng anh vẫn chưa xuất bán mà hy vọng giá tôm sẽ tăng cao trongdịp Noel, Tết dương lịch sắp tới sẽ bù đắp được phần nào chi phí và tăng thêm lợi nhuận. “Giữ tôm lại vào mùa biển động rất nguy hiểm, giá cả thức ăn cho tôm cũng tăng, mỗi ngày mất cả triệu đồng tiền thức ăn. Hy vọng tăng giá nhưng cũng thấp thỏm sợ tôm lớn quá sẽ bị rớt cỡ, mất giá”.
Ai được lợi?
Phần lớn sản lượng tôm hùm của khoảng 20.000 lồng toàn tỉnh đều thông qua các thương lái xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá cho biết: “Giá trị nuôi tôm hùm mỗi năm đạt hàng ngàn tỷ đồng nhưng việc tiêu thụ lệ thuộc vào các thương lái Trung Quốc, tiêu thụ nội địa phần lớn là tôm dạt”. Ông Hoàng Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cũng cho rằng do xuất khẩu tiểu ngạch, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên tôm hùm thường xuyên bị ép giá.
Được biết, để đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc thì con tôm hùm phải qua rất nhiều công đoạn nhưng người nuôi chịu nhiều rủi ro và thiệt thòi nhất. Con tôm từ khi xuất cho các thương lái Trung Quốc, qua các khâu vận chuyển phân phối đến tay người tiêu dùng Trung Quốc đã đội giá gấp 2 - 3 lần giá thu mua tại lồng bè, trong khi đó, tất cả chi phí chỉ khoảng 200.000 đồng/con tôm. Thị trường nước ngoài tiêu thụ nhiều thì giá tăng, tiêu thụ ít thì giá giảm. Mỗi lần sang tay, các thương lái, đầu nậu luôn tính được cho mình phần lợi nhuận vì nếu lỗ họ không làm. Chỉ có người nuôi bỏ cả tỷ đồng, cực nhọc hơn cả năm mà luôn luôn bị ép và không thể quyết định được lợi nhuận cho mình. Ngay cả thương lái trong nước cũng chịu thiệt hơn thương lái Trung Quốc khi chỉ biết giá nhập tại Côn Minh.
Ông Nguyễn Hùng, một thương lái thu mua tôm hùm cho biết, nhiều người nuôi tôm hùm đều biết rằng bị ép nhưng bản thân họ không thể tự đưa con tôm đi bán như con gà, mớ rau. Bởi việc gây mê tôm hùm khoảng 30 giờ đủ để đi đường bộ, đi máy bay nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe cho tôm rất khó, hiện nay mỗi cơ sở thu mua chỉ có 1 người làm được. Bên cạnh đó, việc phân loại tôm ngoài vấn đề kích cỡ, nhiều thương lái còn phân loại dựa vào màu sắc như tôm có màu kém tươi sáng, thường bị đánh loại là tôm dạt, giá thu mua từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, chỉ bằng nửa giá của tôm loại 1. Hoặc khi tôm có kích cỡ và tiêu chuẩn đạt loại 1 nhiều, thương lái thu mua sẽ chỉ mua loại 2 (giá thấp hơn giá loại 1 từ 200.000 - 300.000 đồng/kg) và người nuôi lại bị ép bán loại 1 với giá loại 2.
Vừa qua, UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH Phúc Minh thí điểm xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Trần Đại Dũng, Giám đốc Công ty kỳ vọng phương thức này sẽ giảm được khâu trung gian, giảm chi phí vận chuyển, chi phí gây mê, từ đó sẽ tăng lợi nhuận cho người thu mua cũng như người nuôi trồng. Tuy nhiên, trong chuyến hàng thử nghiệm, doanh nghiệp gặp vấn đề kỹ thuật nên tỷ lệ tôm bị chết quá cao. Hiện doanh nghiệp đang tìm giải pháp kỹ thuật khắc phục.