Số hộ nuôi có lãi cao và năng suất tôm nuôi cũng được cải thiện đáng kể đã khẳng định tính bền vững của mô hình này...
Năng suất khá, lãi cao
Tại Bạc Liêu có 15 hộ tham gia thực nghiệm dự án mô hình “tôm - lúa”, sau 2 vụ nuôi chỉ có 2 hộ bị lỗ vốn do tôm chết vì bệnh đốm trắng và hội chứng gan tuỵ. Năng suất bình quân chung của 13 hộ này đạt từ 600 -650kg/ha.
Ở Cà Mau và Kiên Giang, không có hộ nuôi nào bị lỗ vốn và năng suất bình quân đạt từ 540 - 850kg/ha. Riêng ở Sóc Trăng trong số 16 hộ tham gia dự án, vụ nuôi năm 2011 chỉ có 3 hộ lỗ vốn do tôm chậm lớn, các hộ khác đều đạt năng suất từ 700kg/ha trở lên; còn vụ nuôi năm 2012, năng suất bình quân đạt 600kg/ha.
Trên diện tích 5.000m2, với mô hình nuôi luân canh tôm - lúa, anh Huỳnh Văn Chiều ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thả nuôi 18.000 con tôm sú giống (mật độ 3,6 con/m2). Sau 5 tháng nuôi, anh Chiều thu được 550kg tôm thương phẩm cỡ 23 con/kg, bán được gần 90 triệu đồng. Anh Chiều đúc kết: “Đối với mô hình “tôm - lúa”, không nhất thiết phải thả nuôi với mật độ cao. Vấn đề là con giống phải chất lượng, ao nuôi phải đạt tiêu chuẩn đáp ứng những yêu cầu của mô hình”.
Một điều đáng lưu ý là, mô hình “tôm - lúa” không chỉ được áp dụng với tôm sú, tôm càng mà ngay cả đối tượng nuôi mới (tôm thẻ chân trắng) và nuôi ghép với cá rô phi cũng cho kết quả khả quan. Đặc biệt, với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, người nuôi tôm còn chủ động về thời gian và rút ngắn được vụ nuôi (thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn hơn tôm sú) và có thể thu hoạch có lãi cao chỉ sau 3 tháng nuôi.
Thu hoạch tôm sú ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Phải đảm bảo đúng quy trình
Trước đây, với mô hình “tôm - lúa”, người nuôi tôm thường cải tạo ao nuôi và xử lý nước không đúng theo quy trình cơ quan khuyến ngư khuyến cáo. Theo khuyến cáo, với mô hình này, diện tích mương bao cần có phải từ 25 - 30% diện tích ao nuôi, mực nước ở mương bao cần cao từ 1,2 - 1,5m và mực nước trên trảng thấp nhất cũng phải 0,7m. Nếu nuôi luân canh với tôm thẻ chân trắng thì mực nước trên trảng tối thiểu phải 0,8m và mật độ thả 10 con/m2. Với mật độ này, người nuôi tôm không cần phải lắp thêm quạt tạo ôxy.
Theo thạc sĩ Võ Văn Bé – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng: “Điều quan trọng đối với mô hình này là phải có ao lắng hoặc sử dụng một phần diện tích ao nuôi làm ao lắng, đến khi tôm khoảng 3 tháng tuổi có thể dùng ao lắng để làm ao nuôi. Mô hình “tôm - lúa” cũng phải nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ lúc thả đến 1,5 tháng và giai đoạn sau từ 1,5 tháng cho đến lúc thu hoạch”.
Cũng theo thạc sĩ Bé, sau khi thu hoạch lúa xong, người nuôi nên tiến hành cắt bỏ gốc rạ trên ruộng và thu gom sạch phơi nền ruộng từ 5 - 7 ngày cho nứt chân chim để giải phóng khí độc trong đất. Các loại rong, cỏ cần được dọn sạch để sên vét bùn ở đáy mương bao và gia cố bờ bao, cống bọng. Mật độ thả tôm nuôi ở mô hình này chỉ nên ở mức từ 5 - 8 con/m2 với tôm sú và tối đa 10 con/m2 với tôm thẻ chân trắng.
Mô hình “tôm - lúa” từ lâu đã được đánh giá có tính bền vững cao và sản phẩm từ mô hình này (cả tôm và lúa) đều được xem là “sạch”. Chính vì vậy, việc giữ vững và phát triển mô hình sản xuất này là hướng phát triển lâu dài song song với những mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh...