Trong khi tôm nuôi của bà con trong vùng bị dịch bệnh chết sạch, thì ao tôm rộng 3.000 m2 của Ông Đặng Văn Chiến (ở ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, H.Duyên Hải, Trà Vinh) vẫn phát triển bình thường, khiến ai cũng nghĩ vụ này ông thắng lớn. Nhưng rồi giá tôm cứ giảm liên tục, đến khi ông Chiến thu hoạch thì giá tôm loại 30 con/kg chỉ còn 105.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng cũng giảm xuống mức 72.000 – 75.000 đồng/kg (loại khoảng 100 con/kg), chỉ tương đương với giá thành sản xuất. “Từ đầu năm đến giờ, giá thuốc thú y và thức ăn cho tôm đều tăng lên khoảng 30%; trong khi sản lượng tôm giảm mạnh do dịch bệnh…vậy mà không hiểu sao giá tôm cứ sụt hoài. Vụ này trừ tới trừ lui, tôi còn bị lỗ mấy chục triệu, đau quá”, ông Chiến nói.
Giá tôm sụt giảm khiến ông Nguyễn Văn Quắn (ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam, H.Cầu Ngang, Trà Vinh) rối bời. Ông Quắn có ao tôm sú gần 40 ngày tuổi, đang phát triển rất tốt. Ông Quắn nói: “Với giá tôm hiện tại thì muốn hòa vốn, người nuôi tôm phải tính toán cân đối lượng thức ăn dưới mức hệ số 1.5 (tức 1,5 kg thức ăn phải thu lại được 1 kg tôm thương phẩm loại 30 – 40 con/kg). Ai yếu kỹ thuật, cho tôm ăn vượt mức hệ số 1.5 là cầm chắc lỗ”. Theo ông Huỳnh Văn Chớp (ở ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông, H.Cầu Ngang, Trà Vinh), nếu so giá tôm cùng thời điểm năm 2011, thì khi bán 1 tấn tôm người dân mất đi thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Theo ngành nông nghiệp một số tỉnh vùng ven biển ĐBSCL, nguyên nhân giá tôm nguyên liệu giảm dưới giá thành sản xuất là do thời gian gần đây, ước tính mỗi ngày có khoảng 300 - 400 tấn tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu từ Thái Lan được nhập Việt Nam, với giá rẻ hơn tôm nguyên liệu trong nước khoảng 40%. Hầu hết các thương lái lớn trong khu vực đều đổ xô đi mua nguồn tôm này và bán cho các nhà máy chế biến, khiến người nuôi tôm ở ĐBSCL điêu đứng. Theo thống kê của Hiệp hội tôm miền đông Thái Lan, 4 tháng đầu năm 2012, lượng tôm đông lạnh chưa chế biến hoặc sơ chế xuất sang Việt Nam tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2011, tương đương 2.860 tấn, với giá nhập khẩu từ bằng đến thấp hơn giá thành sản xuất trong nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới đã làm giảm cầu và người tiêu dùng thế giới chọn sản phẩm giá thấp để giảm chi tiêu.