Ông Thuẫn cho biết, sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, ông đã tìm đến các cơ quan chuyên môn để tìm hiểu mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh nhờ các giải pháp sinh học từ các loài cá như cá dìa, cá đối. Vì vậy khi nghe tin Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ - cá đối mục và cua trong ao, ông đã mạnh dạn đăng kí tham gia.
Tháng 3/2018, Trạm Khuyến nông huyện thả 2.000 con cá đối mục theo tỉ lệ 0,5 con/m2 trên diện tích 0,4 ha ao nuôi tôm của gia đình ông. Đến tháng 4/2018, tôm thẻ chân trắng với số lượng 40.000 con (mật độ 10 con/m2) và cua với số lượng 2.000 con (mật độ 0,5 con/m2) được thả nuôi kết hợp với cá đối mục, đồng thời hỗ trợ một phần thức ăn cho các đối tượng nuôi nói trên.
Sau gần 3 tháng nuôi với tôm thẻ chân trắng, 4 tháng đối với cua và 6 tháng nuôi với cá đối mục, cả cá và tôm, cua đều phát triển rất tốt, cá đối mục đạt trọng lượng từ 0,2 - 0,3 kg/con, cua đạt 3 con/kg và tôm thẻ đạt 100 con/kg. Với giá bán tôm 80.000 đồng/kg, cá đối mục 120.000 đồng/ kg, cua 350.000 đồng/kg, ông Thuẫn thu về gần 110 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 47 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chưa phải là lợi ích cao nhất của con cá đối mục mà đối tượng nuôi này có thể giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, hạn chế dịch bệnh cũng như nâng cao sản lượng và giá trị cho đối tượng nuôi chính là con tôm. Điều này rất quan trọng, nhất là đối với vùng nuôi tôm xã Triệu Phước từ nhiều năm nay liên tục xảy ra dịch bệnh, làm tôm chết hàng loạt do môi trường nuôi không đảm bảo. “Khi thả nuôi kết hợp cá đối mục với tôm thẻ và cua, con tôm thẻ phát triển rất tốt, không xảy ra dịch bệnh, môi trường nước ao nuôi trong sạch hơn nhờ cá đối mục ăn rong tảo và chất thải của tôm, cua”, ông Thuẫn khẳng định.
Theo kĩ sư Hoàng Thùy Trang, Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong: Cá đối mục là đối tượng nuôi khá mới, chính thức được đưa vào thử nghiệm tại tỉnh ta từ khoảng 2 năm nay. Đây là loài cá có sức sống rất tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt ngon. Thông thường cá nuôi trong vòng 6 - 8 năm sẽ đạt tiêu chuẩn cá thương phẩm với trọng lượng 0,3 - 0,5 kg, trọng lượng tối đa của loài này có thể lên đến 8 kg. Đây là loại cá rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống và sinh trưởng tốt ở cả môi trường nước lợ, mặn và nước ngọt, có thể chịu đựng được nhiệt độ từ 3 - 35oC và độ mặn 0 - 40 phần nghìn. Đặc biệt thức ăn chủ yếu của loại cá đối mục là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loài tảo sợi, tảo lam, tảo khuê, đa mao trùng, ấu trùng tôm và nhuyễn thể... những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nuôi cũng như nuôi dưỡng mầm bệnh hại các loài thuỷ sản. Chính vì vậy, việc nuôi cá đối mục sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi, tạo cho tất cả các đối tượng nuôi khác một môi trường sống thuận lợi, an toàn nhất để sinh trưởng và phát triển. Cụ thể, qua theo dõi với mô hình nuôi kết hợp này mức lợi nhuận có thể không cao so với nuôi tôm thâm canh nhưng môi trường nuôi lại rất ổn định, ít bị biến động. Chi phí cho các loại thuốc, hóa chất xử lí môi trường gần như không có nên sản phẩm đảm bảo an toàn về chất lượng. Chi phí về thức ăn cũng thấp do các đối tượng nuôi tận dụng nguồn thức ăn của nhau, đặc biệt chi phí thức ăn của cá đối mục không nhiều nhưng sản lượng thu được cao bởi cá đối mục là loài ăn tạp, chủ yếu là mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa của tôm, cua đã góp phần giảm chi phí thức ăn.
Những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, từ khoảng tháng 4 trở đi thường xuyên có mưa dông, nắng gắt, mưa đột ngột làm cho môi trường trong ao nuôi luôn biến động, tảo phát triển mạnh, tôm nuôi khó phát triển, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến diện tích các ao nuôi tôm bị bỏ hoang ngày càng nhiều, đặc biệt là các ao nuôi vùng thấp triều do đặc điểm vùng nuôi dễ bị ô nhiễm, tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh. Trước thực trạng này, việc áp dụng các hình thức nuôi mới như nuôi luân canh, xen canh, nuôi kết hợp tôm, cua với các loài cá khác nhau như cá đối, cá dìa, cá rô phi trong cùng một ao nuôi là giải pháp cần thiết để ổn định nghề nuôi cũng như giảm ô nhiễm môi trường nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh cho tôm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong, bà Nguyễn Thị Lộc cho biết, việc thử nghiệm thành công mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng với cá đối mục và cua đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm. Mô hình này thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích và sản phẩm thu được có hiệu quả kinh tế cao. Phù hợp với trình độ sản xuất và nguồn vốn đầu tư của đa số nông dân.
“Toàn huyện đang có hơn 340 ha nuôi tôm với các hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Điều đáng nói cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi này còn nhiều bất cập như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống ao chứa và xử lí nước, hệ thống ao nuôi chưa được đầu tư hoặc đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến môi trường nuôi bị suy thoái, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Vì vậy, trên cơ sở mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng với cua và cá đối mục này, trong những vụ tới trạm sẽ tham mưu, đề xuất với UBND huyện có những chính sách hỗ trợ để nhiều người nuôi tôm được tiếp cận cách nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm và tăng giá trị kinh tế cho người nuôi”, bà Lộc khẳng định.