Kiểm tra điều kiện vệ sinh tại cơ sở SX tôm giống
Đợt tổng kiểm tra tình hình SX-KD tôm giống vào cuối tháng 3/2012 của Tổng cục Thủy sản diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên tôm hoành hành tại các tỉnh Nam bộ. Đây là hành động quyết liệt của Bộ NN-PTNT nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh hàng loạt trên tôm trong thời gian vừa qua thông qua việc “truy tận gốc” từ khâu SX giống tôm. Với hình thức kiểm tra đột xuất, đoàn công tác do Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Sở NN-PTNT 3 tỉnh đã tập trung kiểm tra về điều kiện vệ sinh thú y trong SX và truy xuất nguồn gốc tôm giống đối với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT). Tại Ninh Thuận và Bình Thuận – nơi tập trung chủ yếu các Cty và cơ sở SX-KD tôm giống, đoàn đã tập trung kiểm tra bất ngờ 7 cơ sở lớn, theo đó, đã phát hiện hàng loạt các sai phạm.
Hàng loạt các loại thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học… bị cấm sử dụng bị phát hiện tại các cơ sở SX tôm giống
Tại Cty TNHH Thủy sản Trường Thịnh (Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận), qua kiểm tra hồ sơ nhập khẩu TTCT bố mẹ của Cty này đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể tại thời điểm kiểm tra, lô TTCT có số lượng 1.050 con do Cty này NK từ Singapore về ngày 21/2/2012 không hề có giấy phép NK. Xin nói rõ, kể từ khi Bộ TN-MT đưa TTCT vào diện sinh vật ngoại lai xâm hại, thì các DN muốn NK phải được sự cho phép của Tổng cục Thủy sản.
Chưa hết, năm 2011, Cty này NK 1.050 con TTCT bố mẹ, tuy có biên bản kiểm tra và lấy mẫu của Cơ quan Thú y Vùng VI cấp phép, thế nhưng kiểm tra lại thì các giấy tờ này không hề có đóng dấu xác nhận của Cơ quan Thú y Vùng VI nên không có giá trị pháp lí. Nguy hiểm hơn, qua kiểm tra tại Cty này còn cho thấy, kích cỡ giống tôm thẻ mà Cty xuất bán rất bé, chỉ ở giai đoạn Post 7 – 8 (trong khi theo quy định về điều kiện SX giống, nuôi tôm thẻ chân trắng theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ NN-PTNT, thì tôm thẻ giống phải có Post từ 12 trở lên mới được xuất bán).
Cũng tại Cty này, đoàn kiểm tra đã phát hiện hai loại sản phẩm gồm thức ăn cho tôm có tên Artemia NC newcat và một loại chế phẩm xử lí ao nuôi là Super Anti mucus có nhãn mác không hợp lệ, không hề có thông tin về đơn vị NK và phân phối. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, thu mẫu các sản phẩm này để làm rõ. Được biết, Cty Trường Thịnh hiện có tới 10 trại SX giống tôm thẻ và 9 trại SX giống tôm sú với công suất ước tính tới 600 triệu Post/năm để tiêu thụ ở thị trường từ Quảng Trị vào tới các tỉnh miền Tây.
Tại Ninh Thuận, đoàn kiểm tra đã bất ngờ kiểm tra đột xuất Cty cổ phần Tân Thành Lợi (thôn Khánh Trường, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) chuyên SX giống tôm sú. Kết quả cho thấy, toàn bộ tôm sú bố mẹ tại đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có xét nghiệm kiểm dịch. Chủ cơ sở này khai nhận, trước đây đã từng nhập một lô 13 con tôm bố mẹ, hiện tại đang SX 2,1 triệu Post để xuất bán đi các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Về điều kiện vệ sinh, cơ sở này không có hệ thống lưu giữ và ươm nuôi tảo theo quy định, còn hệ thống nước thải thì không hề có bể chứa và hầm rút mà để nước thải tự do, ngấm qua bãi cát.
Cũng tại Cty này, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và thức ăn đang được sử dụng như: Kháng sinh Cotrinxazon 960, Erythemycin, Ciprofloxacin Tablets US, Smecta… Theo Tổng cục Thủy sản, đây toàn là các loại kháng sinh chỉ được sử dụng cho người, và cấm sử dụng cho thủy sản…
Đáng chú ý là qua đợt kiểm tra này, ngay cả các “ông lớn” trong ngành SX tôm giống cũng dính vào “nghi vấn” vi phạm về chất lượng tôm giống. Như Cty TNHH SX giống thủy sản Minh Phú (Ninh Phước, Ninh Thuận), đoàn kiểm tra kết luận khu vực gia hóa tôm bố mẹ không đảm bảo về điều kiện an toàn sinh học. Mặc dù hoạt động chính là SX tôm giống, nhưng trong giấy đăng ký kinh doanh của Cty này không hề có ngành nghề SX là SX-KD tôm bố mẹ. Cty này cho rằng, ngành nghề đăng ký trong giấy đăng ký kinh doanh là SX tôm giống thì đã bao gồm cả tôm bố mẹ rồi nên… không cần phải đăng ký!?
Cũng tại Ninh Phước (Ninh Thuận), đoàn đã tiến hành kiểm tra tình hình SX tôm giống tại một “ông trùm” khác là Cty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Cty C.P). Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số lượng lớn tôm thẻ chân trắng bố mẹ đã được sử dụng với thời gian trên 5 tháng (tính từ khi NK về nước) – tương đương với thời gian của 16 lần cho đẻ. Tuy nhiên, chưa xác định được số tôm bố mẹ này kể từ khi được NK về nước đến tại thời điểm kiểm tra đã được cho đẻ bao nhiêu lần.
Về vấn đề này, Tổng cục Thủy sản khẳng định, theo quy định tại Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ NN-PTNT về điều kiện SX giống, nuôi TTCT, thì thời gian nuôi và cho đẻ đối với TTCT bố mẹ, tính từ lần đẻ đầu tiên là “không được quá 5 đến 6 tháng” (đối với tôm sú bố mẹ là không quá 3 lần đẻ/cá thể). Chính vì sự thiếu rõ ràng trong quy định về thời hạn SX cho phép đối với TTCT như trên nên hiện nay, việc xác định số lứa đẻ đối với TTCT bố mẹ là hết sức khó khăn.
“Về nguyên tắc, nếu đối chiếu với quy định, thì các lô TTCT bố mẹ của Cty C.P có thời gian sử dụng từ khi NK về đến thời điểm kiểm tra đều có thời gian trên 5 tháng là chưa quá thời hạn. Tuy nhiên, trong thời gian sử dụng đó, họ (Cty C.P) đã cho tôm bố mẹ đẻ bao nhiêu lứa thì không thể xác định được, bởi hiện nay cơ quan chức năng chưa có quy định nào về việc giám sát nhật ký số lần cho đẻ đối với TTCT bố mẹ. Thế nhưng rõ ràng, nếu trong thời gian đó họ cho khai thác tối đa số lần đẻ, lên tới 15 – 16 lần (so với giới hạn của tôm sú là 3 lần) thì rõ ràng chất lượng giống TTCT bán ra thị trường sẽ hết sức nguy hiểm” – một cán bộ của đoàn kiểm tra phân tích.
Được biết trước nhiều bất cập của Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS, Tổng cục Thủy sản đang gấp rút sửa đổi để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt trong thời gian tới.
Trong tháng 3/2012, Chi cục Thủy sản Bình Thuận cũng đã kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại 98 cơ sở SX-KD tôm giống. Qua đó phát hiện 3 cơ sở sử dụng thuốc có chứa thành phần cấm để phòng trị bệnh cho tôm; 1 cơ sở sử dụng thức ăn, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên trong danh mục được phép lưu hành; 14 cơ sở không có bể chứa nước thải; 27 cơ sở bể chứa nước thải không đạt yêu cầu nên nước sản xuất chưa xử lý thải ra môi trường xung quanh và trực tiếp ra biển; 13 cơ sở không vệ sinh sạch sẽ khu vực sản xuất… Kết quả, chỉ có 57/98 (chiếm 58%) cơ sở đạt điều kiện vệ sinh thú y thủy sản.
Tại Khánh Hòa, cuối năm 2011 và đầu năm 2012, hàng loạt Cty SX-KD giống tôm cũng đã bị phát hiện tiêu thụ tôm có biểu hiện bệnh, hoặc nhập khẩu TTCT không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng đã buộc tiêu hủy toàn bộ và phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm.