Sau gần 6 năm thu hút cán bộ trẻ có trình độ, năng lực và lý tưởng tốt, toàn thành phố có trên 80 cán bộ được tăng cường về công tác tại các phường, xã. Trong số đó có nhiều kỹ sư được mệnh danh chiến sĩ trẻ trên mặt trận sản xuất, có khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân.
Tốt nghiệp Đại học Bạc Liêu chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản, Quách Mạnh Thường được tiếp nhận về xã Vĩnh Trạch. Thường tâm sự: “Làm cán bộ kỹ thuật tuy cực nhưng rất vui, tiếp xúc nông dân mỗi ngày. Qua công việc, tôi giúp nông dân khá nhiều nhưng được học hỏi ở họ cũng không ít. Đó là sự cần cù, dẻo dai và biết tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất”.
Nhận xét về Quách Mạnh Thường, ông Thạch Mên, ấp Công Điền (xã Vĩnh Trạch) nói: “Mạnh thường rất nhiệt tình với dân, thường xuyên xuống thăm hỏi, ân cần chỉ dẫn cách làm ăn cho gia đình tôi. Gia đình tôi trồng hành lá và cải xà lách, có lúc hành lá bị thối rễ, tôi không biết cách khắc phục. May mà có Thường cho tài liệu chỉ dẫn thuốc điều trị và cách chăm sóc mà giờ đây rẫy hành lá của tôi phát triển tốt”.
Ông Lưu Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch, đánh giá: “Vừa qua, xã có tổng kết, đánh giá cán bộ mới nhận về công tác. Hầu hết các em làm tốt nhiệm vụ được giao, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tác phong làm việc tốt. Đặc biệt, hầu hết các em được đào tạo đúng chuyên môn nên vận dụng vào công việc đạt hiệu quả. Có các em, trong chỉ đạo sản xuất chúng tôi rất yên tâm”.
Không chỉ có cán bộ trẻ ở xã Vĩnh Trạch, mà các cán bộ được phân công công tác ở các xã, phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu đều nhiệt tình, năng nổ với công việc, gần gũi với dân. Anh Trần Thanh Phong tăng cường về xã Vĩnh Trạch Đông là một cán bộ như thế. Mới về xã, anh đã giúp đỡ người dân xây dựng mô hình nuôi heo rừng; hướng dẫn người dân xuống giống hoa màu vào thời điểm được mùa, trúng giá; tư vấn kỹ thuật nuôi tôm cho bà con… Ông Bùi Quốc Tuấn, ấp Biển Tây A, nhờ được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của Phong mà mô hình tôm - cua - cá và heo rừng của ông cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Trong đó, mô hình nuôi heo rừng cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông - Phan Thanh Thảo, cho biết: “Xã sẵn sàng tiếp nhận, phân công công tác, tạo môi trường thuận lợi cho những kỹ sư trẻ này phát huy năng lực, trình độ. Chúng tôi sẽ dìu dắt, hướng dẫn các em có ý thức phấn đấu trở thành đảng viên, người cán bộ tốt, sống và làm việc tận tụy cho sự nghiệp phát triển ở địa phương”.
Ông Trần Minh Liêm, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Bạc Liêu, nhận xét: “Nhìn chung, những cán bộ trẻ được tăng cường về cơ sở có trách nhiệm cao trong công việc, tích cực tham gia các hoạt động sản xuất tại địa phương. Song, vẫn còn những cá nhân ý thức học tập, phấn đấu chưa cao, nghiệp vụ quản lý, tham mưu chưa tốt. Điều đó đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và động viên, tạo môi trường cho các em phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới”.