Cá chình bông là loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngon. Hiện loại cá này được nhiều địa phương trên cả nước nuôi, chủ yếu trong ao, bể xi măng, ao lót bạt. Cách nuôi này cho năng suất, tỷ lệ sống chưa cao và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các loại thủy sản có giá trị, trong đó có chình bông, ngày càng cao ở các thành phố lớn. Nguồn thực phẩm này kể cả nuôi trong nước và nhập khẩu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (TPHCM) đã thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuần hoàn (RAS) trong nuôi cá chình bông thương phẩm thâm canh để từ đó làm mô hình mẫu áp dụng cho việc nuôi các loại thủy sản khác bằng công nghệ này. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cấp kinh phí thực hiện.
TS. Nguyễn Nhứt - Chủ nhiệm đề tài.
Theo TS. Nguyễn Nhứt – Chủ nhiệm đề tài - cho biết công nghệ RAS được đánh giá ưu việt hơn so với công nghệ nuôi ao và nuôi lồng nhờ tính an toàn sinh học, năng suất cá nuôi cao, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng lượng nước thấp (150 – 300l/kg cá, so với nuôi ao hiện nay là 2.000 – 3.000l/kg cá).
Công nghệ RAS được nghiên cứu và phát triển mạnh vào thập niên 1980 ở các nước tiên tiến ở Châu Âu để khắc phục các hạn chế của công nghệ nuôi lồng bè, ao. Công nghệ này được nghiên cứu, ứng dụng trên thế giới rất đa dạng từ trong nhà, ngoài trời, với nhiều đối tượng nuôi như: cá trê phi, cá chình, cá hồi, cá lưỡi trâu, cá rô phi, cá chép, cá chẽm, tôm càng xanh,…
Thành phần cơ bản của hệ thống nuôi theo công nghệ RAS bao gồm các bộ phận: lọc sinh học; lọc chất thải rắn; khử carbonic; giảm hay khử trùng hoàn toàn và bể nuôi. Các bộ phận cấu thành của một hệ thống RAS có thể thiết kế khác nhau phù thuộc vào loại thủy sản nuôi, tính chất nước nuôi (ngọt, lợ và mặn) và hiệu suất hoạt động của thiết bị.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã tiến hành nuôi thực nghiệm cá chình bông tại Trại nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất thủy sản Thủ Đức của mình với hệ thống gồm: một bể nuôi, một bể lắng, hai bể lọc sinh học, một bể chứa nước đệm 200l, một hệ thống UV 240W và một tháp lọc nhỏ giọt 2,3m3. Chất thải trong quá trình nuôi được lọc để chảy qua bể lắng và 2 bể lọc sinh học. Tại đây, nước được làm sạch và bơm lên tháp lọc nhỏ giọt để khử CO2 và làm giàu O2 trong nước, rồi tự chảy sang hệ thống khử trùng UV. Cuối cùng, nước hồi lưu về bể cá nuôi. Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, tỷ lệ cá sống là 82%, với tốc độ tăng trưởng 2,1g/con/ngày, cá đạt chất lượng và sạch bệnh.
“Cá nuôi bằng công nghệ RAS tuy đầu tư ban đầu cao hơn so với nuôi theo cách truyền thống, nhưng cá đạt chất lượng có thể xuất khẩu vì không nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm, mầm bệnh” – TS. Nhứt nói và cho biết, mô hình này đã được lắp đặt cho một số cơ sở nuôi thủy sản như Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng thủy sản và môi trường SAEN, TP.HCM (nuôi cá chạch quế, chình bông, trắm đen); hộ nông dân nuôi cá tầm ở Đà Lạt; hay Trại Cá giống Trực, Tiền Giang (nuôi lươn).