Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ sử dụng kinh phí trên cùng với nguồn kinh phí dự phòng cho phòng, chống dịch bệnh trên động vật thuỷ sản để thực hiện giám sát dịch bệnh trên tôm tại các cơ sở sản xuất tôm giống, các cơ sở nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải.
Đối với cơ sở sản xuất tôm giống, ngành nông nghiệp tỉnh tiến hành lấy mẫu giám sát các bệnh như: đốm trắng do vi-rút, hoại tử gan tuỵ cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô.
Đối với cơ sở nuôi tôm thương phẩm, được lấy mẫu tôm, mẫu nước, mẫu bùn ao nuôi tôm và mẫu giáp xác để giám sát các bệnh: đốm trắng do vi-rút, hoại tử gan tuỵ cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh đầu vàng và một số bệnh khác theo yêu cầu của nước nhập khẩu (nếu có).
Thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát các bệnh trên tôm giống và tôm nuôi được thực hiện trước và trong mùa vụ nuôi tôm hàng năm của tỉnh.
Nuôi trồng thủy sản được tỉnh Trà Vinh xây dựng kế hoạch phát triển trở thành ngành tế mũi nhọn trong chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, với mục tiêu đến năm 2020, phát triển diện tích nuôi tôm lên 26.170 ha, sản lượng tôm thương phẩm đạt bình quân khoảng 70.600 tấn mỗi năm.
Việc tăng cường giám sát dịch bệnh trên tôm nhằm nâng cao chất lượng trong phòng, chống, cảnh báo dịch bệnh, góp phần phát triển nuôi tôm bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu tôm thương thẩm trong thời gian tới.
Mùa vụ nuôi tôm năm nay, Trà Vinh đã thả nuôi 5,11 tỷ con tôm sú và tôm thẻ chân trắng, với diện tích 25.000 ha; trong đó, có hơn 20.000 ha nuôi tôm sú, hơn 5.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, sản lượng tôm trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 15.600 tấn tôm sú và 24.000 tấn tôm thẻ chân trắng.