Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau là mùa cá bông lau sinh sản, cho nên nguồn cá giống trên các sông khá nhiều, muốn nuôi cá bông lau, người nuôi "đặt hàng" nguồn con giống từ những người làm nghề đăng lưới, đẩy xiệp ven sông, trên các bãi bồi dưới chân rừng đem về ương dưỡng đạt kích cỡ như cá tra giống mới thả nuôi. Nguồn con giống tự nhiên khá nhiều, người nuôi chỉ tốn công ương dưỡng.
Ông Lâm Văn Bình, ấp Giồng Bàng, xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải) cho biết: "Năm 2017, gia đình tôi chuyển sang nuôi cá bông lau, với diện tích ba ao, tổng diện tích gần 2 ha mặt nước, thả nuôi 20.000 con cá giống. Sau một năm nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg, với giá bán 130.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi hơn 500 triệu đồng. Cá bông lau dễ nuôi, ít bệnh cho nên không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn cho cá chủ yếu từ nguồn cá vụn cũng dễ tìm và chi phí thấp. Ngoài việc tiếp tục nuôi cá bông lau, tôi còn ương dưỡng hơn 20.000 con cá bông lau giống để bán cho các hộ tại địa phương chuyển đổi nghề nuôi tôm. Cá bông lau giống được bán với giá 20.000 đồng/con".
Ðại diện Phòng NN và PTNT huyện Duyên Hải cho biết: Ðây là mô hình nuôi thủy sản mới, có nhiều ưu thế để nhân rộng, tăng thu nhập cho nông dân. Hiện mô hình nuôi cá bông lau đã được nhân rộng thêm bảy hộ dân trong xã Long Vĩnh, với diện tích 3,2 ha, số lượng cá giống hơn 49.000 con. Phòng NN và PTNT huyện đã có kế hoạch hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật từ việc dưỡng con giống đến quá trình nuôi nhằm bảo đảm tính hiệu quả. Ðơn vị cũng đang đề nghị Sở NN và PTNT tỉnh, Sở Công thương hỗ trợ thêm về xây dựng quy trình kỹ thuật, tìm đầu ra cho cá bông lau thương phẩm để khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình thay thế diện tích nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh vùng nước ngọt trong mùa mưa và nước lợ trong mùa nắng không bảo đảm hiệu quả.