Hành trình “ba chìm bảy nổi”
Anh Nguyễn Văn Nhất, chủ trang trại cá ở thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống nuôi thuỷ sản.
Trang trại của anh hiện có diện tích ao nuôi 20.000m2 với nhiều loại thuỷ sản giá trị (như cá trê, chuối hoa, chạch sụn, tôm đồng... ), đầu ra ổn định. Để có được thành quả như bây giờ, anh Nhất đã trải qua không ít thời gian vất vả vào Nam ra Bắc thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau.
“Năm 2009, trang trại nuôi cá rô phi bị lỗ, không duy trì nổi, tôi phải bỏ nghề cá đi Đài Loan làm kinh tế. Ở nước ngoài, tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mày mò đi học hỏi các mô hình chăn nuôi thuỷ sản”, anh Nhất kể.
Tích lũy được kha khá kinh nghiệm, năm 2012, anh về nước mở trang trại nuôi cá rô đồng tại Cần Thơ, chuyên buôn cá ra ngoài Bắc, trung bình mỗi ngày chuyển khoảng 200 hộp xốp đựng cá bằng đường hàng không.
Đến năm 2014, do một số giới hạn về khâu vận chuyển khiến cá chết nhiều, lại thua lỗ, anh Nhất bỏ hẳn nghề cá, chuyển sang làm vận tải, du lịch. Song sau vài năm thử sức qua một số công việc khác nhau, anh nhận thấy nghề nuôi thuỷ sản vẫn nhiều tiềm năng hơn cả.
Với vốn kinh nghiệm tích lũy từ những năm bôn ba hải ngoại và truyền thống nuôi thủy sản của gia đình, năm 2018, anh quyết định quay trở lại với nghề nuôi thuỷ sản, dần dần phát triển quy mô diện tích ao nuôi lên đến 20.000m2 như ngày nay.
Một phần cá nuôi tại trang trại của anh Nhất là các giống cá trong nước, phần còn lại là giống nhập từ Trung Quốc. Cá giống sau khi được tuyển chọn đạt yêu cầu sẽ xuất bán cho bà con nuôi thương phẩm.
Đối với những nông hộ lần đầu muốn khởi nghiệp nuôi thuỷ sản, anh Nhất luôn khuyên bà con cần tìm hiểu kỹ về con giống, về điều kiện chuồng trại, cách chăm sóc, đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng miền, để từ đó giảm thiểu rủi ro khi đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Bởi làm nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi như thời tiết, dịch bệnh…
“Vấn đề đầu tiên bà con thường quan tâm là đầu ra. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý về kỹ thuật chăn nuôi cá, tôm thật tốt đã. Khi chăn nuôi tốt, cá, tôm thương phẩm sẽ bán được giá. Trường hợp những hộ nuôi chưa có đầu ra trang trại sẽ hỗ trợ bao tiêu theo giá thị trường”, anh Nhất nói.
Trang trại anh Nhất đã phát triển và mở rộng với nhiều loại thuỷ sản mang lại giá trị kinh tế cao như cá chuối hoa, trê lai, rô đồng, tôm. Ảnh: DV.
Anh chia sẻ câu chuyện của chính mình để làm dẫn chứng: “Những lúc thuận lợi, trang trại lãi khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng từ việc bán cá giống, cá thịt. Thế nhưng cũng từng có lúc chúng tôi phải chịu cảnh cả xe cá chết vì đường xá vận chuyển xa xôi khiến cá mất nhớt, yếu đi nhanh chóng. Tính từ đầu năm 2022 đến giờ, chúng tôi đã bị 2 xe cá chết như thế, lỗ hơn 1 tỷ đồng”.
Mặt khác, phần lớn người dân hiện nay vẫn phát triển chăn nuôi thủy sản theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, tự phát. “Trong quá trình nuôi, cá bị bệnh, nhiều hộ lại tự chữa không đúng bệnh đúng thuốc. Trong khi việc nên làm là đem vật mẫu đi kiểm tra, xét nghiệm bằng phương pháp khoa học để tìm đúng bệnh, từ đó mới có đúng loại thuốc chữa cho đàn cá”, anh Nhất nói thêm.
Anh Nhất cho biết: "Mô hình nuôi cá trê, cá chuối hoa tận dụng chuồng lợn mang lại hiệu quả kinh tế tốt". Ảnh: HB.
Cách nào để không “mắc cạn” vì giá thức ăn chăn nuôi cao?
Với giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao như hiện nay, một số nông hộ chăn nuôi lợn muốn chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản nhưng vẫn băn khoăn chưa rõ nếu tận dụng chuồng lợn để nuôi cá liệu có hiệu quả.
Giải đáp thắc mắc này, anh Nhất cho rằng, có thể áp dụng mô hình nuôi cá trê, chuối hoa… trên bể bạt hoặc tận dụng chuồng lợn cũng được. Tuy nhiên, bà con phải hiểu và nắm bắt thật tốt kỹ thuật nuôi, khi đó, tỷ lệ thành công có thể đạt tới 80%.
Để giảm áp lực chi phí khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, có thể sử dụng trùn quế, dế, sâu canxi (ruồi lính đen) làm thức ăn, nhưng nếu dùng cám công nghiệp thì vẫn thuận tiện nhất. Một phương án khác có thể tính đến là trộn 2 loại vừa nêu theo tỷ lệ 50 - 50.
Nhận định rằng kinh tế thị trường đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19, điều này là lợi thế giúp bà con phát triển thuỷ sản, thế nhưng anh Nhất vẫn lưu ý, những nông hộ mới lần đầu chuyển sang nuôi thuỷ sản thì cần bắt đầu từ những diện tích nhỏ, số lượng ít để thử nghiệm, sau đó nếu thấy hướng đi phù hợp phát triển kinh tế tốt mới nên mở rộng dần.
Nếu chọn cá chuối hoa hoặc cá trê tính bình quân 1kg cá tiêu thụ hết 1,5 kg cám. Với giá cám công nghiệp trung bình 30.000 - 32.000 đồng/kg, cá thương phẩm có giá rẻ nhất 75.000 - 80.000 đồng/kg, bà con vẫn lãi từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu tận dụng được các loại thức ăn khác sẽ càng giảm bớt chi phí chăn nuôi, tăng lợi nhuận.
Mô hình nuôi tôm đồng xen ghép với cá (trừ một số loài cá ăn thị như trê, chuối hoa...) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ảnh: Diệu Vy.
Ngoài việc tận dụng chuồng lợn nuôi cá, một mô hình khác cũng đang được nhiều hộ dân nghiên cứu áp dụng, đó là nuôi xen ghép tôm đồng với cá, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích nuôi.
Khi thả xen canh, tôm sẽ ăn thức ăn thừa của cá và ăn tảo…, nghĩa là không tốn chi phí thức ăn cho tôm. Thời gian thu hoạch tôm trong mùa hè là sau 70 ngày nuôi, mùa đông là 90 ngày, bà con chỉ cần “đánh tỉa thả bù” trung bình 1 mẫu/ngày thu hoạch được 2 - 3 kg cũng thu lợi nhuận trên dưới 500.000 đồng/ngày.
Anh Nhất khuyến cáo, với mô hình này, bà con không nên nuôi chung tôm với những loại cá ăn thịt như rô đồng, chuối hoa, trê…; tuyệt đối không sử dụng hoá chất, chỉ sử dụng men vi sinh định kỳ (10 - 15 ngày/lần) gây màu tảo cho tôm ăn.
Con tôm về cơ bản rất ít bệnh, tuy nhiên lại rất dễ bị ngạt không khí. Chính vì vậy, người nuôi cần sử dụng quạt nước giúp tạo dòng chảy và cung cấp ôxy cho ao nuôi. Vị trí đặt quạt nước cách bờ 1,5m, khoảng cách giữa 2 cánh quạt nước từ 60-80cm, lắp so le nhau; tuỳ hình dạng ao mà bố trí cánh quạt nước nhằm tạo được dòng chảy tốt nhất và cung cấp đầy đủ ôxy cho tôm.
Dự kiến trong thời gian tới, tôi sẽ triển khai nuôi cá theo hệ thống nước tuần hoàn, vừa để tiết kiệm nguồn nước, lại có thể tiếp cận với một số giống cá đặc sản cần môi trường nước sạch ...”, anh Nhất vui vẻ thông tin.
Sau nhiều năm nuôi thuỷ sản, nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ nhất anh Nhất chia sẻ, năm 2004 anh nhập cá trê về nuôi vào thời điểm không ai ăn cá này. Nuôi đến khi xuất bán anh đem cá đi mời chào khắp các chợ từ Hải Phòng, Móng Cái, Thái Nguyên… ngày bán được 5 - 10kg. Anh cứ kiên trì như vậy trong khoảng thời gian 2-3 năm đến khi dân ăn quen bán được 1 -2 tạ cá, còn đến bây giờ cá trê được tiêu thụ theo tấn.