Nhiều khó khăn trong quản lý
Một thực tế hiện nay là nguồn lợi thuỷ sản khu vực gần bờ trên địa bàn tỉnh đang giảm dần cả về trữ lượng và chất lượng. Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế không còn nhiều như trước. Nguyên nhân do việc khai thác quá mức làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản gần bờ.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết: “Do trữ lượng tài nguyên của tỉnh khá dồi dào, đã thu hút nhiều phương tiện của nhiều tỉnh về đây khai thác. Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng tàu nhỏ khai thác ven bờ, dẫn đến nguồn lợi ngày càng suy giảm. So với những năm trước đây, hiệu quả nghề khai thác giảm đi. Theo thống kê của các địa phương, trong 5 năm trở lại đây, mức độ giảm từ 10-30%”.
Do áp lực của cuộc sống, nhiều hộ dân sẵn sàng dùng phương tiện thuỷ nội địa để ra biển đánh bắt. Chính điều này không những làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, tài sản của họ.
Trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh hiện có hơn 400 phương tiện thuỷ nội địa khai thác thuỷ sản ven bờ. Qua tìm hiểu, hầu hết các phương tiện không qua “cửa chính”, mà lại chọn đường tiểu ngạch thông ra biển để “né” sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Những phương tiện câu mực mé, cào, lú... đánh bắt gần bờ, thường ra biển khoảng 17 giờ chiều hôm trước và vào bờ vào 6 giờ sáng hôm sau, đi từ 1-2 người để hỗ trợ nhau. Qua 1 đêm “vật lộn” trên biển, phương tiện nào trúng cũng hơn 1 triệu đồng, thất thì vài trăm ngàn. Có một điểm chung là các phương tiện này không được cấp giấy phép hoạt động. Có người cho biết, họ cũng đôi lần bị lực lượng chức năng nhắc nhở, nhưng vì chén cơm manh áo, biết là nguy hiểm, nhưng vẫn không có cách nào khác.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Ðảm thông tin: “Do cuộc sống mưu sinh, nên nhiều người chọn cách mạo hiểm ra khơi đánh bắt. Lực lượng cán bộ, chiến sĩ biên phòng nhiều lần nhắc nhở, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, họ vẫn tìm mọi cách ra khơi. Cuối năm 2020, những tháng đầu năm nay có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên biển, gây thiệt hại về tài sản và cả tính mạng liên quan đến đánh bắt bằng phương tiện thuỷ nội địa”.
Do những phương tiện này khai thác vào ban đêm, đi ít người nên khi sự cố xảy ra không có người ứng cứu, đến khi lực lượng chức năng hay tin ra cứu viện thì mọi chuyện đã quá muộn.
Dù biết nguy hiểm, nhưng các chủ phương tiện vẫn bất chấp, ra khơi đánh bắt. Ảnh: MLARANDA.
Bài toán chuyển đổi nghề
Thực tế đặt ra, nếu không có giải pháp hợp lý thì nguồn tài nguyên biển sẽ bị thu hẹp và nghề khai thác biển sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng câu chuyện chuyển đổi ngành nghề luôn là bài toán khó. Ông Bằng nhận định: “Việc chuyển đổi nghề đối với khai thác ven bờ và nghề cấm, khó khăn hiện nay là khối lượng phân bổ công việc và cần nguồn vốn rất lớn. Ðiều kiện của địa phương có giới hạn, nên trong những năm qua, việc chuyển đổi nghề vẫn chưa triển khai thực hiện được”.
Tỉnh đã triển khai thí điểm nhiều mô hình chuyển đổi nghề nhưng không khả quan. Nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn hỗ trợ và đối ứng trong dân. Nếu muốn dân không khai thác thuỷ sản ven bờ, phải có vốn đầu tư đóng phương tiện công suất lớn để vươn khơi, nhưng thực tế nhiều hộ không có vốn đối ứng. Mặt khác, nếu chuyển đổi từ khai thác thuỷ sản trên biển lên đất liền, ngoài việc cần vốn, phải xem họ thích nghi được không?
Anh Ðỗ Hoàng Nam (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) bày tỏ: “Không có nghề nào là không nguy hiểm, nhưng nghiệp là vậy nên phải đeo. Ðôi khi cũng mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, nhưng đâu có được, vì cơm áo mưu sinh mà”.
Có những hộ xem nghề biển là nghề “cha truyền con nối”, nên khi chuyển đổi không bắt nhịp được và rồi câu chuyện chuyển đổi quay lại từ đầu.
Ông Bằng thông tin: “Thời gian qua, tỉnh có phối hợp với Thái Lan thực hiện mô hình thả rạn nhân tạo tại vùng biển Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, đạt hiệu quả rất cao. Qua 1 năm triển khai thực hiện cho thấy, kết quả phục hồi nguồn lợi thuỷ sản rất tốt, cả về số lượng và chất lượng. Ðồng thời, các nghề đánh bắt không vào được vùng này.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cũng đề xuất, Trung ương cần có chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho người dân chuyển đổi nghề cho phù hợp với từng địa phương. Tạo điều kiện cho Cà Mau có nhiều dự án, chương trình để nhân rộng mô hình thả rạn nhân tạo.