Vay được thì vay
Ngư dân Phan Văn Việt ở ấp 5, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại hiện sở hữu 5 cặp cào đôi, cho biết: “Từ 2014 đến nay, tôi đã đóng mới 4 chiếc ghe cào công suất lớn hơn 1.000 CV. Dầu giảm giá đã tạo thuận lợi cho việc đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Hiện đội tàu của tôi đã tăng lên 2 tháng rưỡi mỗi chuyến cào. Kéo dài ngày đánh bắt mà không quá lo chi phí xăng dầu sẽ giúp cho hiệu quả mỗi chuyến cao hơn. Hiện nay, ngư dân muốn trụ với nghề biển, chẳng những phải thường xuyên chiêu mộ tài công giỏi mà còn phải liên tục mua máy mới, cố gắng để đóng tàu mới, mở rộng quy mô, chứ đánh bắt lẻ tẻ sẽ không còn hiệu quả nữa”.
Ngư dân kỳ cựu Phạm Đại (còn gọi là Năm Mai Lợi), ở ấp 2, xã Bình Thắng ví von rằng: “Nghề đi biển hiện nay cũng giống như việc cập nhật phần mềm trên thiết bị điện tử. Vì thế, ngư dân nào vay được vốn thì vay liền để đầu tư cải tiến ngư cụ, nếu vẫn còn tha thiết với nghề đi biển.”
Nếu lượng tàu đánh xa bờ công suất lớn (từ 800 CV trở lên) của huyện Bình Đại chiếm trên 70% lượng tàu này trong toàn tỉnh thì xã Bình Thắng có số lượng tàu lưới cào đánh bắt xa bờ chiếm trên 97% trong số đó. Đây cũng là địa phương nhiều năm liền có phong trào đóng mới và nâng cấp máy tàu mạnh nhất tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Bình Thắng có 42 tàu đóng mới và 20 tàu cải hoán nâng công suất máy. Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong số ngư dân đóng mới và nâng cấp máy tàu, chỉ có một chủ tàu tự cân đối được vốn và một chủ tàu được vay vốn ưu đãi lãi suất, không phải thế chấp tài sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ ban hành năm 2014 về phát triển thủy sản, bởi chủ tàu này đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, những chủ tàu còn lại đều đóng tàu lưới cào nên họ đều phải vay vốn ngân hàng theo quy định về lãi suất của ngân hàng thương mại, chứ không được hưởng chính sách ưu đãi. Hộ vay đóng mới nhiều nhất lên đến 14 tỷ đồng; bình quân mỗi hộ vay từ 4 - 6 tỷ đồng; vay để thay máy cũng từ 1 - 2 tỷ đồng. Những giao dịch giữa ngân hàng và ngư dân đều diễn ra khá nhanh chóng. Bên ngân hàng rất thận trọng chọn đối tượng cho vay, thường họ chỉ cho vay đối với những ngư dân có từ 2 cặp cào đôi trở lên, có công suất lớn và đánh bắt hiệu quả, nhiều khả năng cân đối được vốn trả đúng định kỳ. Vì thế, hiện trên địa bàn xã có không ít tàu công suất máy chỉ khoảng 700 CV, gặp rất nhiều khó khăn do không hiệu quả và không cân đối được chi phí vươn khơi”.
Lưới cào làm suy kiệt tài nguyên biển
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác gần 84 ngàn tấn hải sản các loại, đạt 53% kế hoạch năm, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2014. Đạt mức tăng trưởng cao như thế, ngoài những yếu tố điều kiện tự nhiên khai thác thuận lợi, chủ yếu do tăng đột biến ở nghề cào đôi công suất lớn. Toàn tỉnh có thêm 122 chiếc tàu lưới kéo đánh bắt xa bờ, tổng công suất cào đôi thêm 118 CV; nâng tổng số tàu cá đã đăng ký đánh bắt xa bờ lên 1.748 chiếc, tăng 146 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Ông Cao Văn Viết - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Tàu lưới kéo của Bến Tre chủ yếu đánh bắt hải sản ở tầng đáy của Biển Đông. Các loại hải sản này chỉ sinh sản ở khu vực ven bờ, nhưng khi vào mùa sinh sản bắt đầu từ khoảng tháng 6 hàng năm lại chịu áp lực đánh bắt hủy diệt của ngư dân nên tài nguyên biển đối với ngư dân lưới cào ngày càng khan hiếm. Việc phát triển mạnh mẽ phong trào đóng mới và cải hoán tàu để đánh bắt xa bờ là tín hiệu đáng mừng. Song việc ồ ạt phát triển nghề lưới kéo sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên cho loại hình đánh bắt này. Về lâu dài, ngư dân - trực tiếp là chủ tàu - sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều. Trước nguy cơ đó, UBND tỉnh đã cho chủ trương lập quy hoạch khai thác và cơ cấu về loại hình đánh bắt sao cho hợp lý hơn, theo sát chủ trương của Chính phủ về khai thác thủy sản. Trong đó, sẽ hướng dẫn ngư dân chuyển đổi loại hình khai thác, thậm chí loại bỏ triệt để những loại hình, phương tiện khai thác không hiệu quả và mang tính chất hủy diệt nguồn lợi tự nhiên.”