Ban đầu anh đầu tư hơn 150 triệu đồng để đóng bè, mua giá thể để nuôi hàu thương phẩm trên sông. Bè nuôi hàu của gia đình có diện tích 270 m2 (dài 45 m, rộng 6 m), giá thể là những tấm tole xi măng để ấu trùng hàu bám vào, sinh trưởng và phát triển (nguồn con giống có sẵn trong tự nhiên).
Sau khi chuẩn bị bè và giá thể, anh tiến hành đưa 1.200 giá thể xuống bè, mỗi tấm giá thể hai đầu có dây để treo vào khung sắt. Hơn 1 năm chăm sóc, anh đã thu hoạch hàu lứa đầu với 80 tấm giá thể, thu về gần 40 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của anh Thiệu, thời gian đưa giá thể xuống bè nuôi thích hợp nhất là từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 3 vì đây là thời điểm ấu trùng hàu trong môi trường tự nhiên nhiều nhất trong. Bên cạnh đó, việc chọn vị trí nuôi hàu là rất quan trọng: Bè nuôi hàu nên neo ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn từ 20 đến 30ppt, độ pH từ 7,5 đến 8,5; nguồn nước sạch, có dòng chảy nhẹ, có nhiều sinh vật phù du. Bè nuôi phải đảm bảo ngập nước khi nước ròng.
Sau hơn 1 năm đầu tư nuôi hàu, nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ loài thủy đặc sản này, anh tiếp tục đầu tư hơn 40 triệu đồng để làm mới 1 bè và hơn 1.000 giá thể để nuôi thử nghiệm hàu trong ao.
Anh Thiệu chia sẻ, tiềm năng phát triển nuôi hàu thương phẩm tại địa phương là rất lớn, cần được quan tâm đầu tư khai thác, vừa tận dụng được nguồn hàu giống trong tự nhiên, cũng như khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước trên các cửa sông, cửa biển.
Mô hình nuôi hàu của anh Thiệu có hiệu quả đã thu hút sự quan tâm của bà con xung quanh, nhiều hộ dân ở địa phương đã đến tham quan, học tập cách làm.
Với nhiều ưu điểm như kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro, hàu có tốc độ sinh trưởng nhanh, không cần đầu tư con giống, thức ăn, vừa dễ nuôi, lại cho thu nhập cao, nghề nuôi hàu thương phẩm bằng bè trên sông đang mở ra một triển vọng mới, phát triển kinh tế gắn với phục hồi môi trường sinh thái rừng ngập mặn, góp phần giảm nghèo, giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương.