Từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2015, qua khảo sát thực tế tại các địa phương, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản và Công ty Globalcert đã chọn cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc để thực hiện dự án. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản BR-VT đánh giá, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, cơ sở có hệ thống ao nuôi thiết kế bảo đảm chắc chắn, nguồn nước sử dụng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, không gần nguồn gây ô nhiễm, khu nuôi có hệ thống ao lắng, kênh cấp, kênh thoát riêng biệt... bảo đảm đáp ứng theo tiêu chuẩn để tiến hành đánh giá chứng nhận VietGAP (Quy phạm thực hành sản xuất tốt, Vietnamese Good Agricultural Practices – VietGAP) năm 2015 tại địa phương.
Mô hình nuôi tôm nước lợ tại xã Phước Thuận là mô hình nuôi tôm thứ ba áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc áp dụng VietGAP vào trong nuôi trồng thủy sản được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản: đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. “Việc áp dụng VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề thủy sản nước ta vào trong khuôn khổ, đồng thời từng bước tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung nhằm góp phần vào mục tiêu chung của Bộ NN-PTNN là phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt hơn 80% số hộ nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên phạm vi cả nước”, ông Lê Tòng Văn cho biết thêm.
Trong quá trình đánh giá chứng nhận VietGAP, chủ cơ sở, nhân viên kỹ thuật, công nhân tại Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường đã được các chuyên gia của Công ty Globalcert và Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh tư vấn, cung cấp những kiến thức cơ bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, yêu cầu và phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, tập huấn ghi chép hồ sơ, biểu mẫu hướng dẫn ghi chép thực tế... Về nguồn kinh phí, mô hình trên được thực hiện theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với kinh phí được hỗ trợ 100% cho việc đánh giá chứng nhận cho mô hình trên.
Về phía cơ sở nuôi, ông Nguyễn Văn Cường cho biết, sẽ thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy trình của các chuyên gia hướng dẫn. Cơ sở sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, bảo đảm cho ra sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn.
Theo kế hoạch, việc xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường sẽ kết thúc các giai đoạn đánh giá và trao giấy chứng nhận cho cơ sở vào cuối tháng 8-2015. “Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình trên, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản sẽ tiếp tục lựa chọn các hộ nuôi có đầy đủ các điều kiện để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy tốt theo tiêu chuẩn VietGAP cho năm 2016 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh BR-VT”, ông Lê Tòng Văn cho biết thêm.