Cá mó đầu khum (Cheilinus undulatus, Ruppell 1835) là loài cá rạn san hô có giá trị kinh tế rất cao, quý hiếm, nằm trong sách đỏ của thế giới cũng như của Việt Nam - được đánh giá đang ở mức độ nguy cấp EN (IUCN, 2010). Hiện nay, cá mó đầu khum đang được bảo tồn, khai thác nguồn gen nhưng ở mức độ thăm dò và số lượng cá thể còn khiêm tốn. Thông tin nghiên cứu về đối tượng này ở trong nước còn hạn chế, không có con giống để cung cấp cho người nuôi ở vùng ven biển và hải đảo cũng như để làm sinh vật cảnh.
Kết quả bước đầu của nhiệm vụ đã đem lại một số thông tin quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo như: đã có phương pháp thu thập, vận chuyển và thuần dưỡng thành công đàn cá được đánh bắt từ vùng biển khơi, cá thích nghi, sinh trưởng và thành thục tốt trong điều kiện nuôi nhốt (hiện đang lưu giữ 30 cá bố mẹ từ 3 - 10 kg và 20 cá hậu bị từ 2 - 3 kg/con). Xây dựng được quy trình nuôi vỗ phù hợp cho cá thành thục trong điều kiện nuôi nhốt. Đã nghiên cứu được một số đặc điểm sinh học sinh sản trong điều kiện nuôi. Trong năm 2012, nhiệm vụ đã kích thích sinh sản nhân tạo thành công tạo ra hơn 2 triệu trứng thụ tinh và 1,5 triệu cá bột khỏe mạnh và đã bước đầu thu nhận được những thông số kỹ thuật về thu, ấp trứng, quá trình phát triển phôi, đặc điểm phát triển của ấu trùng đến 5 ngày tuổi, một số thông số kỹ thuật ươm ấu trùng ở giai đoạn đầu... Chuyển giới tính được 6 con cá đực từ cá cái mang trứng bằng phương pháp tiêm 17 alpha - methyl testosteron. Phòng và trị hiệu quả một số bệnh thường gặp trên cá nuôi...