Ông Dũng cho biết: Sen được trồng từ tháng 2/2018 và sau 4 - 5 tháng là cho thu hoạch. Vào thời điểm chính vụ, gia đình phải thuê, mượn thêm lao động để hỗ trợ công việc thu hoạch đài sen và bóc tách hạt sen. Bình quân cứ 2 - 3 ngày gia đình ông thu hoạch 1 lần sau đó tách hạt sen bán tươi hoặc khô. Thị trường đầu ra của sản phẩm hạt sen tương đối ổn định, đến mùa sen, các công ty dược phẩm, bánh kẹo hoặc các thương lái đến ký hợp đồng và thu mua với giá sen khô khoảng 70.000 đồng/kg, sen tươi 35.000 đồng/kg.
Giống sen được trồng là sen Nhật với các màu hoa: Trắng, hồng, tím; lại được trồng ngay trong vùng du lịch và sát với đường Tràng An nên phục vụ thiết thực cho du khách đến chiêm bái và mua hoa. Những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần du khách đến đông, họ thường dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm và mua hoa với giá 10.000 đồng/bông. Nhiều hộ gia đình có đình, đám hoặc ngày đầu tháng, giữa tháng đã đến đặt và mua hoa. Đây là sản phẩm cho thu nhập chính của mô hình trồng sen-nuôi cá này.
Tuy nhiên, thời gian sen có hoa không dài; hơn nữa việc mua hoa chủ yếu khi bông còn đang dạng nụ, nên khi cần lại không có mà lúc có thì lại thừa. Ông Dũng dự kiến thu hoạch từ sen (đài, hạt và bán hoa) đạt 2,7 triệu/sào, tương đương với 270 triệu đồng/ha. Sen là loại cây dễ trồng, chi phí ban đầu tuy có cao (khoảng 70.000-80.000 đồng/mầm sen giống), nhưng ít sâu bệnh, không tốn công chăm sóc, phù hợp đồng đất địa phương và trồng một lần có thể tiếp tục cho thu hoạch ở 4-5 năm sau tùy từng chất đất, thường thì từ năm thứ 2 trở đi sen sẽ cho năng suất cao hơn. Cũng ở diện tích trên, gia đình còn nuôi thả cá rô Tổng Trường - loại cá đặc sản của vùng đất Cố đô.
Với kinh nghiệm đã có 5 năm nuôi thả loại cá này, nhưng do môi trương nuôi thả kết hợp với trồng sen nên ông Dũng sử dụng phương thức nuôi bán thâm canh, mật độ thả vừa phải và năng suất ước đạt 15 tấn/ha, bán với giá 60.000-80.000 đồng/kg cho thương lái và các nhà hàng.
Gia đình ông Dũng cũng chỉ là một trong hàng chục hộ nông dân ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên thuộc Hợp tác nuôi thả cá rô Tổng Trường (do ông Dũng làm Giám đốc) đã quyết định chuyển đổi diện tích đất trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao, ổn định. Hiện HTX đang có 11 hộ gia đình, quản lý vùng đất gần 7 ha ven đường Tràng An.
Với diện tích thùng đào, thùng đấu thì được trồng sen và nuôi thả cá rô (khoảng 1 ha); diện tích còn lại là ruộng lúa chỉ cấy được vụ đông xuân, vụ mùa bỏ hoang và đang nuôi thả các loại cá trắm cỏ, chép, rô Tổng Trường. Đây đang là hướng đi có nhiều triển vọng cho người nông dân thôn chi Phong nói riêng và xã Trường Yên nói chung.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Với sự hỗ trợ của Huyện (100% giống sen, 50% giống cá) và sự hưởng ứng tích cực của các hộ gia đình tham gia; sau hơn 1 năm, mô hình trồng sen Nhật kết hợp thả cá tại địa phương đã cho thấy năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, góp phần ổn định thu nhập cho người dân, theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị, hiệu quả cao.
Giá trị thu nhập của mô hình ước đạt khoảng 300 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng/ha; cao gấp 4- 5 lần so với trồng lúa. Dưới tán sen là môi trường sống phù hợp của loài cá rô, tạo ra những “Cánh đồng sinh thái” vừa cho giá trị kinh tế lại phục vụ du lịch.
Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, có tính khả thi cao; bởi sen là loại cây trồng có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở ao hồ, thùng đào, thùng đấu, mương ngòi, ruộng sâu cấy lúa kém hiệu quả; cá rô Tổng Trường là loại cá đen, có thể sinh trưởng, phát triển khá tốt trong các đầm sen... Trong các năm tới, xã Trường Yên hướng mở rộng mô hình, trước mắt là các hộ trong khu vực; hỗ trợ người dân trồng sen phát triển thêm các dịch vụ từ sen như du lịch sinh thái, chụp ảnh… để tăng nguồn thu từ trồng sen.