Thắng lớn
Ông Nguyễn Văn Tường ở ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: “Tôm càng xanh mang trứng đang có giá 120.000 đồng/kg, còn tôm càng loại nhất giá 260.000 - 270.000 đồng/kg. Với giá này, người dân nào còn tôm neo lại sẽ thu lãi lớn. Hiện tại, tôm càng xanh thịt đang rất hút hàng. Ngoài việc thương lái gọi điện đặt hàng, còn nhiều người đến tận vuông tôm hỏi mua”.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn, vụ tôm năm rồi Thoại Sơn thắng lớn; từ mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ tôm do Trung tâm Giống Thủy sản An Giang và Trường ĐH Cần Thơ phối hợp thực hiện, bước đầu chọn ra được 6 hộ với 15 ha để triển khai và được hỗ trợ 50% chi phí (tương ứng với 1 hộ/1 ha/50 triệu đồng) đã mang lại hiệu quả cao gấp đôi so với nuôi truyền thống.
Điển hình là hộ ông Văn Công Hường ở xã Phú Thuận. Ông cho biết: “Cách làm mới hay ở chỗ là thả con giống mật độ dày và khoanh khu vực nuôi với diện tích nhất định. Sau 75 - 90 ngày tuổi bắt đầu phân loại cái và đực đem tách riêng. Con cái bán trước, con đực để lại dưỡng cho lớn thêm mới bán. Cách làm như vậy sẽ cho năng suất rất cao. Tính riêng phần tôm cái tách ra và đem bán cũng đủ lấy lại chi phí”.
Những ngày cận Tết, chúng tôi về Tam Nông (Đồng Tháp) tham quan vùng nuôi tôm càng xanh lớn nhất ở ĐBSCL, rộn ràng trong mùa vụ tôm bán Tết. Gia đình ông Trần Đại Nghĩa ở ấp Long Thành, xã Phú Thành A vừa thu hoạch xong vuông tôm diện tích 5.000 m2 với sản lượng cao. Sau khi trừ chi phí đầu tư, ông thu lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Nghĩa phấn khởi cho biết: “Vụ tôm năm nay tuy nước lũ không nhiều như các năm trước, nhưng nguồn thức ăn trong mùa lũ như cá tép vẫn đủ nên không tốn tiền mua. Nhờ áp dụng phương pháp thu tỉa tôm trứng trong những tháng đầu nên bán giá khá cao, từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Mặt khác, bỏ vụ lúa ĐX mà dưỡng tôm cho đến Tết để có tôm tuyển loại nhất, giá cao gấp 2 - 3 lần so với thu tỉa tôm trứng ban đầu”.
Tết sung túc
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho biết thêm: “Trong vụ ĐX 2012 - 2013 này, huyện Tam Nông tiếp tục xem mô hình “lúa - tôm” là chiến lược để phát triển bền vững. Từ 120 ha năm rồi của huyện, nay nhân rộng ra 3.000 ha. Để từng bước nâng cao giá trị thương phẩm thương hiệu con tôm, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi với phương pháp canh tác lúa theo hướng hiện đại và tôm nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu”.
Còn ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Phú Thành B cho biết: “Mùa lũ năm nay toàn xã Phú Thành B có 70 hộ thả nuôi tôm với tổng diện tích gần 500 ha thì trên 70% có lãi từ 70 - 100 triệu đồng/ha. Cá biệt có hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/ha. Tết này, người dân trong xã sung túc hơn các năm trước”.
Cũng ở huyện Tam Nông, 122 hộ nông dân đã thả nuôi hơn 750 ha tôm càng xanh trên ruộng mùa lũ năm 2012; tập trung nhiều tại các xã Phú Thành A - B, An Long, Phú Ninh, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim. Tính đến ngày 16/1, có trên 650 ha tôm nuôi ở các xã Phú Thọ, Phú Ninh, Phú Thành A - B, đã thu hoạch dứt điểm. Còn khoảng 100 ha tôm đang thu hoạch giai đoạn cuối bán trong và sau Tết.
Tổng sản lượng tôm càng xanh thương phẩm đạt trên 805 tấn, gồm 534 tấn tôm thịt và trên 271 tấn tôm trứng. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông, hiện giá dao động từ 100.000 - 110.000 đ/kg và giá mua tôm càng xanh thịt là 220.000 - 250.000 đ/kg.
Hộ ông Ngô Văn Phước ở xã Phú Ninh nuôi tôm trên diện tích 3.000 m2 là nền đất ruộng cho biết: “Năm 2012 gia đình làm 2 vụ lúa xong là chuyển sang đầu tư vào con tôm mùa lũ. Khi thả giống không ngờ nước lũ nhỏ việc thả tôm nuôi trong ruộng gặp nhiều khó khăn hơn so với mọi năm. Tuy vậy, đây là năm đầu tiên bỏ 1 vụ trồng lúa chuyển sang nuôi tôm; tính ra vụ tôm vừa qua gia đình tôi kiếm lời cũng được khoảng 30 triệu đồng”.
Cái lợi là nhờ ông Ngô Văn Phước neo được con tôm lại gần Tết bán có giá hơn so với tháng nước. Vì thông thường cuối con lũ vào tháng 10 - 12, ai nấy cũng tháo nước ra để làm lúa, nhưng gia đình ông quyết giữ con tôm lại, thu tỉa bán dần đến Tết.