Hơn 10 năm trăn trở với ý tưởng
Từ đầu những năm 2000, Hiệp hội Chế biến & XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Lãnh đạo Bộ Thủy sản trước đây đã cùng tâm đắc với ý tưởng xây dựng một đầu mối phân phối sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại EU. Được sự tài trợ của các dự án của Đan Mạch, nhất là Dự án SEAQIP, với sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, các Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Châu Âu, trong nhiều năm, các đoàn cán bộ thủy sản Việt Nam đến tham quan, tìm hiểu, xem xét, khảo sát, nhiều cảng biển, như Le Havre và Boulognesur- Mer (Pháp), Hamburg và Bremerhaven (Đức), Amsterdam và Rotterdam (Hà Lan), nhưng vẫn chưa tìm được địa điểm thuận lợi và đối tác hội đủ các điều kiện khả thi để có thể tổ chức thực hiện đề án này.
Đầu năm 2013, trong cuộc gặp mặt với Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet tại Văn phòng VASEP Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP - đã nêu lại ý tưởng này và đã gặp được sự ủng hộ đặc biệt của Đại sứ. Vị đại sứ đầy năng nổ và nhiệt tình này đã mời ngay lãnh đạo của Zeebrugge sang thăm Việt Nam, gặp gỡ thảo luận với VASEP. Trong lần họp mặt lại nhân Hội chợ Thủy sản Châu Âu 2013, hai bên đã thống nhất ý tưởng Việt Nam và Bỉ hợp tác xây dựng một trung tâm phân phối và sàn đấu giá thủy sản tại châu Âu. Ý tưởng này được Bộ NN&PTNT hết sức ủng hộ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng phát biểu:“ Cần xây dựng trung tâm phân phối và mở sàn giao dịch đấu giá thủy sản tại châu Âu, vì đây là thị trường chính của cá tra Việt Nam. Trong khi tại Nhật, Mỹ, ta đang gặp khó vì rào cản thương mại và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thì EU vẫn thông thoáng hơn, kinh tế tuy vẫn khó khăn nhưng sức tiêu thụ cá tra ở EU đã khởi sắc trở lại. Sàn giao dịch Zeebrugge là một trong những sàn giao dịch nông sản XK lớn tại châu Âu, có cảng Zeebrugge là trung tâm trung chuyển hàng hóa của cả châu lục. Thông qua cảng Zeebrugge, thủy sản có thể NK bằng những tàu trọng tải lớn. Sau khi cập cảng Zeebrugge, chỉ trong 24 giờ hàng thủy sản Việt Nam đã có thể có mặt tại hơn 86% các siêu thị ở châu Âu. Ưu điểm của cảng Zeebrugge đã khiến sàn giao dịch này thu hút hầu như tất cả các nhà NK ở châu Âu, vì giảm được chi phí lớn trong việc bảo quản và phân phối hàng hóa”.
Ngoài ra, theo ông Bruno Angelet, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, dự kiến khoảng 2 năm nữa, Việt Nam sẽ ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU. Đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho XK thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là XK cá tra, bởi ngành này vốn đang tồn tại nhiều vấn đề. “Trung tâm phân phối và sàn đấu giá sẽ góp phần rất lớn trong việc ổn định XK cá tra,” ông Đại sứ nhận định.
Trong “Hội thảo ý tưởng thành lập trung tâm phân phối hàng thủy sản Việt Nam tại EU” diễn ra ngày 28/06/2013 tại Hà Nội, ông Jan Vannieuwenboug, Giám đốc điều hành cảng Zeebrugge, nêu rõ: “Là một cảng biển nước sâu lớn, hiện đại và nằm ở vị trí chiến lược của châu Âu, cảng Zeebrugge hiện là trung tâm phân phối và đã có sàn đấu giá quả kiwi của Niu Dilân để đưa đi khắp châu Âu. Do đó tôi tin đây sẽ là nơi lý tưởng để trở thành trung tâm phân phối cá tra Việt Nam tại EU”.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản sẽ tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng trung tâm phân phối và mở sàn đấu giá thủy sản, trước mắt là với mặt hàng cá tra, tại cảng Zeebrugge”.
DN được lợi gì?
Theo VASEP, nếu gom hàng thành khối lượng lớn để vận chuyển cùng nhau bằng tầu trọng tải lớn, không phải chuyển tải ở Hồng Kông và Singapo như hiện nay, DN XK cá tra Việt Nam sẽ giảm được đáng kể chi phí vận chuyển. Điều này rất có lợi khi chi phí vận chuyển đang ngày một tăng.
Ngoài ra, DN cũng có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các chuỗi siêu thị, các nhà bán lẻ lớn thay vì phải qua trung gian như hiện nay. Nhờ loại bỏ bớt các khâu trung gian thông qua sàn đấu giá, giá cá tra sẽ được nâng lên, từ đó tác động tới mặt bằng giá trong cả chuỗi sản xuất cá tra nói chung. Việc giá XK được thị trường xác lập qua cơ chế đấu giá công khai cũng loại trừ được nguy cơ tiềm ẩn của các vụ kiện chống bán phá giá.
Ngành cá tra cũng sẽ khắc phục được tình trạng chất lượng bị giảm do DN cạnh tranh không lành mạnh, tìm cách hạ chất lượng để hạ giá bán. Cá tra tham gia sàn giao dịch phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, do đó uy tín sẽ ngày càng tăng.
Ông Dũng cho biết thêm: “Việc minh bạch về thông tin sản phẩm sẽ giúp nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam và tiến tới xây dựng một thương hiệu quốc gia cho cá tra Việt Nam. Điều này có lợi cho cả người tiêu dùng ở châu Âu và người sản xuất tại Việt Nam. DN cũng sẽ được lợi hơn do cơ chế thanh toán minh bạch bởi giao dịch qua sàn”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế và KHCN Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Đây là một bước tiến tới sự phát triển bền vững của cá tra Việt Nam, từ người nông dân nuôi cá tại ĐBSCL, DN chế biến XK đến người tiêu dùng châu Âu sẽ đều thu được lợi từ giá do không cần qua khâu trung gian”.
Ý tưởng thành lập trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại Zeebrugge nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của các DN XK cá tra Việt Nam tại cuộc họp lấy ý kiến DN vào ngày 24/6 tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mối băn khoăn lớn của các DN là sản lượng XK sẽ thay đổi đi như thế nào và vấn đề phân chia lợi nhuận giữa các bên DN, cảng, nhà NK, nhà bán lẻ…cũng được nhiều đại biểu lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng chia sẻ: “Cách làm này nhằm mục đích cứu ngành cá tra đang gặp khó, động cơ tốt, cần ủng hộ tham gia góp ý kiến, thảo luận. Bán bằng đấu giá thì chắc chắn giá sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, do bán đấu giá thì chắc chắn sản lượng cá tra XK kiểu này sẽ ít hơn so với thông thường.”
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia nhận định, điều này cũng rất hợp lý khi ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành chế biến XK cá tra nói riêng đang trong quá trình tái cơ cấu, tập trung vào chất lượng, nâng giá bán để thu về lợi nhuận cao.
Ông Jan Vannieuwenboug cho biết thêm: “Cảng Zeebrugge có hệ thống kiểm tra VSANTP rất nghiêm ngặt, do đó tôi tin rằng cá tra Việt Nam sẽ được đánh giá là thực phẩm hạng A tại các siêu thị châu Âu nếu thông qua trung tâm phân phối đặt tại cảng Zeebrugge”.
Xây dựng như thế nào?
Theo kế hoạch, VASEP sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy sản), Bộ Công Thương và các đối tác Bỉ nghiên cứu tiền khả thi và khả thi để thành lập Trung tâm Phân phối Thủy sản Việt Nam tại châu Âu.
“Trước đây, VASEP đã từng đề xuất việc quản lý XK cá tra bằng giá sàn để hạn chế tình trạng DN tranh mua, tranh bán, hạ giá cá nhưng không hiệu quả. Nếu qua sàn giao dịch quốc tế, tất cả DN thủy sản sẽ chỉ XK qua một đầu mối là trung tâm XK thủy sản do VASEP điều hành. Trung tâm này sẽ đưa cá tra lên sàn, giá cá cao hay thấp sẽ theo từng loại. Nếu ký được hợp đồng, trung tâm này sẽ phân bổ lại hợp đồng tương ứng với năng lực của từng DN. Cách làm này là học theo cách của các DN XK trái Kiwi ở New Zealand,” ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Sylvie Because, Giám đốc sàn đấu giá điện tử tại cảng Zeebrugge cho biết, sàn đấu giá liên kết với người mua trên khắp thế giới nhờ hệ thống trực tuyến. “Thông tin về sản phẩm như hình dạng, kích cỡ, chất lượng, nguồn gốc đều được đưa vào catalogue điện tử để nhà NK có thể truy cập và dễ dàng kiểm tra” - bà Sylvie Because cho biết.
Ngày 24/7/2013, Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet về nội dung xây dựng Trung tâm Phân phối và mở sàn đấu giá cá tra Việt Nam tại cảng Zeebrugge. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương rất hoan nghênh ý tưởng này. Tuy nhiên để hiện thực hóa đề án này cần có lộ trình cụ thể, chi tiết, cùng với sự tham gia của các cơ quan chức năng và DN hai bên. Đại sứ Bruno Angelet khẳng định, vào cuối tháng 9 sẽ hoàn thành 2 phương án trình các bên tham gia cùng nghiên cứu.
Dự kiến, vào tháng 10 năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Đại Sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam và VASEP tổ chức hội thảo giới thiệu phương án chính thức xây dựng trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại Zeebrugge.