Dịch bệnh giảm, sản lượng tăng
Đến tháng 10, vụ nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng kết thúc, đạt kết quả khả quan. Tính từ 15/12/2012 đến 30/9/2013, tổng diện tích trên 45.455 ha thả nuôi 9,8 triệu con giống, trong đó tôm thẻ 15.686 ha; vượt kế hoạch và đạt xấp xỉ cùng kỳ 2012. Diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên toàn tỉnh 13.334 ha, chiếm 30% diện tích thả nuôi, giảm 26% so cùng kỳ năm 2012.
Nhiều hộ nuôi trúng mùa, đạt sản lượng cao, có lãi. Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến đạt năng suất bình quân 0,5 tấn/ha, nuôi thâm canh đạt 3,1 tấn/ha, bán thâm canh đạt 1,6 tấn/ha và tôm thẻ 4,5 tấn/ha. Riêng phần diện tích bị thiệt hại nhưng có thu hoạch được, bình quân tôm sú 300 kg/ha và tôm thẻ 700 kg/ha.
Tổng kết vụ, sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng đạt 48.000 tấn, tăng 26% so năm 2012, trong đó tôm thẻ 35.000 tấn, tăng gấp 3 lần. Ước tính tổng sản lượng tôm nước lợ đến cuối năm 2013 đạt 68.000 tấn, tăng 22% so kế hoạch. Trong đó tôm sú 23.000 tấn và tôm thẻ 45.500 tấn.
Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng nhận định: Do thời tiết và môi trường nuôi tôm năm nay khá thuận lợi. Trên các tuyến kênh rạch xuất hiện nhiều tôm cá tự nhiên. Nhưng điều quan trọng dẫn đến thành công trong vụ nuôi tôm năm nay chính là việc bố trí lịch thời vụ hợp lý và áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Qua thất bại từ mấy năm trước, năm nay các hộ nuôi tôm rất thận trọng, chấp hành lịch mùa vụ tốt hơn và tạm ngưng thả giống ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, đã giúp hạn chế thiệt hại và lây lan.
Theo ghi nhận của Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng: Tình hình nuôi tôm sú thiệt hại nhiều nên nhiều người chuyển sang nuôi tôm thẻ. Phần nhiều hộ thả nuôi mật độ bình quân 50 con/m2 và 1 - 2 vụ/năm. Do giá tôm thương phẩm rất cao, một số ít người nuôi mật độ cao, 3 vụ/năm và có nơi đạt năng suất 20 tấn/ha, song sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững.
Chưa hết lo
Ở huyện Cù Lao Dung vụ nuôi tôm năm 2013 với hơn 1.080 ha có 87% diện tích nuôi có lãi. Số hộ nuôi trúng tôm thu tiền tỷ tăng lên. Mới đây có thêm 100 ha thả giống nuôi tiếp.
Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cảm thấy lo: “Năm 2014, Cù Lao Dung dự kiến mở vùng nuôi mới khoảng 140 ha. Chúng tôi khuyến cáo hộ nuôi không nên mở ở những vùng nuôi tập trung và chỉ mở ở những khu vực có điều kiện thuận lợi về nguồn nước. Huyện có 7 cụm nuôi chưa có điện 3 pha, thậm chí có khu vực chưa có điện; trên 4 tuyến kênh chính dẫn nước vào vùng nuôi bị bồi lắng đang cần được nạo vét".
Ông Phạm Minh Tiền, thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho rằng: "Vừa qua các cơ quan chuyên môn tìm ra nguyên nhân gây hội chứng hoại tử gan tụy cấp, nhưng các biện pháp phòng trị, cũng như mô hình nuôi phù hợp thì đến nay vẫn chưa có.
Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh gây thiệt hại cho những vụ nuôi tiếp theo. Đáng lo ngại là vẫn còn nhiều hộ tiếp tục thả nuôi. Nếu không quản lý tốt số diện tích thả nuôi sau lịch thời vụ này sẽ rất khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh ở vụ nuôi năm tới".
Chi cục Thú y Sóc Trăng xác nhận, vụ nuôi tôm vừa qua diện tích tôm bị thiệt hại tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn so mục tiêu đặt ra. Dịch bệnh vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Nguyên nhân do phần lớn người dân nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ; thiếu ao lắng xử lý và vẫn còn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch làm lây lan mầm bệnh...
Về thị trường, ông Võ Quốc Phục, TGĐ Cty CP Thủy sản sạch Việt Nam nói: "Dự báo giá tôm từ nay đến tháng 4/2014 có thể giảm, nhưng theo dự báo sẽ vẫn còn ở mức cao, có lợi cho người nuôi. Tuy nhiên, khi vào chính vụ 2014, nguy cơ mất giá có thể xảy ra nếu như các nước có vùng nuôi tôm lớn trong khu vực trúng mùa.
Trong vụ nuôi tới, vấn đề sử dụng kháng sinh cần có hướng dẫn cụ thể nên sử dụng loại nào, liều lượng và nhất là thời điểm sử dụng, thời điểm không nên sử dụng để sản phẩm tôm nuôi không bị dư lượng. Mặt khác, người nuôi và DN chế biến vẫn còn thiếu vốn, nếu không có các giải pháp về tài chính kịp thời, vụ nuôi tới vẫn còn khó khăn".
Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng dự báo năm 2014 diện tích nuôi tôm thẻ trong tỉnh có thể tăng lên 20.000 ha. Lúc đó số lượng và chất lượng con giống theo dự tính nuôi với mật độ 50 con/m2, mỗi vụ cần tới 1 tỷ con. Nếu thuận lợi sản lượng có thể đạt tới 100.000 tấn/vụ.
Viện Nghiên cứu NTTS II cho rằng, với mức thiệt hại 30% trong vụ nuôi 2013 cho thấy việc nuôi tôm vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Trong điều kiện môi trường, dịch bệnh như hiện nay nên nuôi với mật độ thưa, chọn lựa con giống tốt, sạch bệnh, và có thời gian cho đất nghỉ ngơi để cắt mầm bệnh.