Trong 5 cơ sở đóng và sửa chữa tàu trên địa bàn tỉnh hiện có, mới chỉ 02 cơ sở đạt chuẩn đóng sửa tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; do đó các tàu được phê duyệt có thể phải đóng ở tỉnh khác, gây khó khăn trong quản lý và tốn kém cho ngư dân.
Đầu tư nâng cao năng lực sản xuất
Riêng trên địa bàn thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) có hai cơ sở, trong đó có một cơ sở của Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận, xưởng đóng tàu lớn nhất của tỉnh TT-Huế, sau khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, mặt bằng của xưởng đã mở rộng từ 2.000 m2 lên 3.000 m2, với sức chứa cùng lúc tăng từ 25 tàu lên 40 tàu. Tại cơ sở có hơn 20 thợ, công nhân có kinh nghiệm, tay nghề đóng tàu từ 10 năm trở lên, cùng khoảng 35-40 người được các chủ tàu thuê đến tham gia sửa chữa tàu thuyền. Với đội ngũ thợ lành nghề và trang thiết bị máy móc, mỗi tháng công ty có thể đóng từ một đến hai chiếc tàu công suất lớn và cải hoán chừng 10 chiếc tàu từ trên 400CV. Các điều kiện về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc của công ty đều đáp ứng yêu cầu sản xuất tàu công suất lớn, như: hệ thống đường truyền đà , sức nâng lớn nhất 100 tấn, động cơ kéo tời 5KW và các thiết bị tời kéo tàu, hệ thống đường triền dọc, hai đường triền ngang, máy khoan tàu... được đảm bảo.
Công ty vừa mới đầu tư thêm máy phun sơn, máy nén nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ tàu thuyền. Anh Cao Hữu Bi, một thợ có kinh nghiệm lâu năm làm tại Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận chia sẻ: “Với đội ngũ công nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có cơ bản đáp ứng yêu cầu đóng mới, sửa chữa tàu công suất lớn. Lâu nay, việc đóng tàu 250 CV, 400CV trở lên đều diễn ra khá thuận lợi. Vật liệu gỗ chuẩn bị tại bãi sẵn sàng đóng mới cả chục chiếc trở lên”.
Tạo điều kiện mở rộng mặt bằng
Xưởng sản xuất công ty TNHH Tàu Thuyền An Thuận che thêm bên đường.
Ảnh : Ngọc Phương
Mặc dù, 2 cơ sở đóng tàu của công ty TNHH Tàu Thuyền An Thuận và cơ sở Nguyễn Văn Phong, tại thị trấn Thuận An đều đã mở rộng lên trên 3000m2. Nhưng trong thời gian gần đây, nhu cầu đóng mới, cải hoán, nhất là tàu dịch vụ xa bờ tăng cao khiến mặt bằng sản xuất, sửa chữa của công ty này bị quá tải.
Trước thực tế trên, huyện Phú Vang đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh TT-Huế tăng thời gian cho thuê đất tại các xưởng đóng tàu từ 5 năm lên 20 năm, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các xưởng đóng tàu có thể yên tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng nhà xưởng.
Tỉnh TT-Huế hiện có trên 3.000 tàu thuyền, nhu cầu đóng mới hàng năm khoảng trên 20 chiếc. Riêng tại thị trấn Thuận An, trong năm vừa qua đã có 15 chiếc hoàn thành thủ tục đăng ký đóng mới. Rõ ràng, với nhu cầu đóng mới tàu xa bờ tăng cao, mong muốn nâng cấp, mở rộng mặt bằng của các cơ sở đóng tàu là lẽ hiển nhiên.
Mong rằng, thời gian tới, tỉnh TT- huế cần có những chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư mở rộng các cơ sở đóng và sửa chữa tàu , tạo điều kiện phát triển và nâng cao năng lực sản xuất tàu biển xa bờ của các cơ sở đóng tàu trên địa bàn. Góp phần giúp nhiều ngư dân vươn khơi, bám biển trên những chuyến tàu xa bờ, bội thu.