- Nói cụ thể hơn như trong nuôi tôm, khoảng 5 năm về trước tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy chết sớm, làm điêu đứng người nuôi suốt 5-6 năm trời. Cũng may, phác đồ điều trị đã có, căn bệnh tôm quái ác kia chỉ còn là ấn tượng trong tâm tưởng. Nhưng bây giờ người nuôi tôm đối diện khó khăn khác, tôm bị vi bào tử trùng tấn công. Con vi khuẩn này rất nhỏ so thông thường, khi gặp môi trường bất lợi, nó tự tạo ra cái võ kén, ẩn mình trong đó, đợi thời! Tuy không gây thiệt hại lớn nhưng có thể làm mất tiền lãi người nuôi. Năm nay, tôm thêm bệnh phân trắng, bệnh lan rộng. Bệnh này khiến chi thức ăn tăng mà tôm tăng trọng chậm!
- Trong chế biến, các thương nhân tôm luôn đỏ mắt tìm các dự báo cung cầu tôm sắp tới trên bình diện thế giới, suy ra xu thế giá tôm mà liệu định ký hợp đồng mua bán. Cán cân cung cầu bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố như thời tiết, ý chí quốc gia có nuôi tôm, kỹ thuật ứng dụng trong nuôi tôm, dịch bệnh trong nuôi tôm...
- Trong xu thế người tiêu dùng phải tính được sắp tới thị trường mục tiêu là đâu? Giải pháp nào chuyển đổi thị trường? Ở đó thị hiếu người tiêu dùng ra sao? Sắp tới diễn biến xu thế sẽ như thế nào? ...
- Trong bối cảnh kinh tế xã hội thế giới có bất an gì ảnh hưởng sức mua hay không? Thí dụ thương chiến Mỹ - Trung hiện nay đã làm đảo lộn, phá sản nhiều kế hoạch kinh doanh dày công xây dựng trước đó (nhưng cũng mở ra cơ hội kinh doanh).
Một phương trình nhiều ẩn số là bài toán thường xuyên các thương nhân tôm phải lý giải, tìm đáp án. Các ẩn số đó là các thông tin chính xác, kịp thời (thí dụ như tình hình nuôi tôm trên thế giới, thời điểm thu hoạch, cỡ con, sản lượng…, tình hình nâng cấp nhà máy chế biến tôm các nước, thị hiếu tiêu dùng, quy định kiểm hóa nhập khẩu, tỉ giá…, các thông tin tương tự trong nước). Ai thu thập được nhiều thông tin và kịp thời hơn, xử lý và ra quyết định kịp thời hơn sẽ có nhiều cơ hội tranh thủ được cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, sự vật vạn biến, không thể nhìn ở trạng thái tĩnh. Ngược lại, phải luôn cập nhật thông tin, coi mọi việc luôn ở trạng thái động, qua đó nhận định mới chính xác, có lợi. Thí dụ như dự báo năm nay thời tiết nóng, ít mưa sẽ thời tiết thuận lợi cho tôm phát triển. Nhận định là cung nguyên liệu tăng, giá giảm. Từ đó, chăm bẵm lo ký sớm hợp đồng với giá mềm, bởi e rằng sau này giá sẽ giảm hơn. Tuy nhiên, thực tế không nên quá nóng vội. Tôm sẽ nuôi nhiều nhưng kết quả nuôi ra sao? Như tôm nuôi một thời gian, có số liệu thả nuôi rất khả quan (trong bụng thấy mừng vì cung nguyên liệu tăng, giá sẽ giảm như nhận định), nhưng dịch bệnh ập tới, thiệt hại, thu hoạch giảm. Giá tôm nguyên liệu sẽ không giảm, các hợp đồng ký sớm với giá đón đầu sẽ bị lỗ nặng.
Rõ ràng, việc ký hợp đồng mua bán tôm thành phẩm không thể như trứng bỏ chung một rổ; không thể tham lam, coi nhẹ rủi ro; mà phải đi liền diễn tiến tình hình nuôi tôm trong thực tế, là phải vừa cập nhật thông tin vừa ký hợp đồng phù hợp. Đó cũng là tình hình nuôi tôm ở Ấn Độ năm nay. Đầu vụ dự báo sản lượng tăng mạnh để năm sau Ấn Độ đạt một triệu tấn tôm nuôi theo kế hoạch; nhưng quá nửa vụ, đánh giá mới đây là sản lượng có thể giảm 20% do tôm bị dịch bệnh. Diễn biến này, không ít thương nhân tôm gặp khó khăn, nhiều DN tôm bị động, thua lỗ.
Nói chung, thương nhân tôm, cũng như thương nhân các ngành khác, hàng ngày hàng giờ phải lo các biến số biến động và phải giải phương trình với nhiều ẩn số đồng thời cũng là biến số đó. Ai giải nhanh, ai giải đúng sẽ có phương án kinh doanh tốt hơn. Mỗi người có một khả năng không như nhau, cách giải phương trình kinh doanh không như nhau, đưa ra đáp án không như nhau. Điều đó lý giải vì sao trong thực tế, điều kiện kinh doanh như nhau, một số (số lớn) DN tôm làm ăn sa sút, thậm chí phá sản, chỉ một số ít luôn duy trì được nhịp độ hoạt động; tuy có trồi sụt nhưng chỉ trong ngắn hạn và xu thế vẫn là phát triển ổn định. Điều kiện kinh doanh như nhau nhưng khác nhau ở người điều hành.
Trong thực tế, thương hiệu, muốn có, phải dày công xây dựng. Bắt đầu từ xây dựng văn hóa DN, xây dựng chuẩn mực đạo đức kinh doanh... Những cái quý giá đó không thể từ trên trời rơi xuống hay ai cho mình. Tầm vóc, bản lĩnh một thương nhân cũng vậy, phải do tự nỗ lực bền chí học hỏi; biết cầu tiến và bền lòng và nhất là có cái nhìn biết chia sẻ như trong các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, trong trách nhiệm xã hội. Muốn được vậy, chắc chắn thương nhân sẽ luôn vô cùng vất vả; chia vốn thời gian, tâm trí, sức khỏe của mình dàn trãi trên nhiều lĩnh vực. Chỉ có đam mê mới chịu nổi. Còn mang tâm thế chưa tỏ rõ tính chuyên nghiệp sẽ khó lòng vượt qua các khó khăn trên thương trường.
Trong thực tế, các thương nhân không thể chia sẻ hết suy nghĩ, nhận định mình ra bên ngoài, thậm chí cấp dưới. Bởi đôi khi đó là “bài bản”, là bí mật kinh doanh thậm chí là vũ khí tự vệ hay tấn công đối thủ. Tuy ông cha ta có câu “Mua có bạn, bán có phường” nhưng thực tế sự bắt tay của các DN cùng nghề rất hiếm xảy ra. Nếu có, họ chỉ chia sẻ những thông tin khái quát, chớ không thể đi sâu hơn tiểu tiết. Vai trò các Hiệp hội cũng chỉ kết nối được ở những việc mang tính chất cộng đồng hơn là sự chia sẻ của các DN với nhau.
Trong thực tế, làm thương nhân rất cô đơn và rất sợ cô đơn. Bởi có những chuyện không thể chia sẻ, có những chuyện có thể chia sẻ nhưng không có ai cùng tầm để chia sẻ! Làm thương nhân, nhất là thương nhân tôm, có ai được nhiều thong thả, công việc luôn căng thẳng, khó có sự thăng bằng trong cuộc sống, (nhìn lại các thương nhân tôm lớn tuổi ai cũng bệnh đầy người!), nhưng những thành quả tạo ra sẽ là niềm vui bù đắp lúc nhọc nhằn.
Xã hội phải có cái nhìn đúng hơn với các thương nhân có đạo đức và đặt thành phần này đúng vị trí đáng có. Bởi số này chắc là thiểu số và bị đa số còn lại lấn át, khiến cái nhìn xã hội bị méo mó; coi thương nhân chỉ là bọn đánh quả, chụp giựt, lừa đảo, ham tiền hám lợi… Con sâu làm rầu nồi canh, mà sâu lại không ít!