Huyện Năm Căn giáp biển, nơi chuyên đánh bắt và nuôi trồng thủy - hản sản. Ngày trước khi việc đánh bắt chưa khai thác ồn ào, dồn dập, tôm tít cư ngụ ở các hốc đá, hố cạn dọc biển Năm Căn khá nhiều. Rồi vì nhà nhà, người người đi biển nên tôm tít cạn kiệt.
Đó là lý do tôm tít có giá khá cao (giá chợ khoảng 250.000 đồng, vào nhà hàng không dưới 500.000 đồng).
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mê hải sản, các hộ dân nơi đây rủ nhau nuôi tôm tít xôm tụ thành phong trào. Dù sống trong môi trường nuôi dưỡng nhưng tôm tít vùng Năm Căn vẫn ngọt thịt không thua kém tự nhiên.
Loài tôm này có thể chế biến nhiều món ăn cầu kỳ, ngon miệng nhưng xứ Năm Căn vẫn thích hấp vì nhanh, gọn.
Cũng cần nói thêm, do người nuôi kiêng kỵ lửa nên món nướng ngon số một bị loại trừ. Theo quan niệm dân gian của người nuôi trồng thủy - hải sản tại đây, nước kỵ lửa, nếu người nuôi tôm mà đem tôm đi nướng có thể tai họa sẽ ập đến các vuông nuôi.
Chẳng hạn như bệnh dịch làm thất mùa, chết tôm tít hàng loạt (các loại thủy - hải sản khác cũng được cử kiêng như thế).
Hấp có nhiều kiểu như hấp bia, xá xị, nước dừa… Đơn giản thôi. Trước tiên là chuẩn bị nồi hấp. Đặt chiếc rế úp ngược hay bất cứ vật gì cách thủy nhưng thông hơi vào nồi.
Sau đó để nước dừa ngập 1/3 nồi (không cho ngập rế). Giờ thì cho tôm tít đã rửa sạch (còn sống càng ngon) vào nồi đã cách thủy và hấp cho đến khi nước cạn sệt.
Trong thời gian hấp, không nên mở nắp nồi kẻo làm mất đi chất ngọt (do bay hơi) và lâu chín. Nếu muốn tăng thêm hương vị, cho vài cọng lá dứa vào nồi.
Tôm tít vốn dĩ đã ngọt, giòn, lại có thêm vị nước dừa và mùi lá dứa thì còn gì bằng. Món này khi dùng thì nên lấy dao rạch sóng dọc con tôm để tách lấy vỏ cho dễ dàng (vì vỏ tôm tít khá cứng). Nếu không biết lột vỏ có thể làm thịt bấy nhầy, mất ngon.
Thịt tôm tít khi hấp xong có màu hồng nhạt như ghẹ, không đỏ au như cua hay tôm thường. Nhưng không phải vì thế mất đi vẻ quyến rũ, lôi cuốn. Thử một lần về Cà Mau, ghé huyện Năm Căn ăn một con tôm tít luộc chấm muối Tây Ninh là thấy nghiền ngay.