Cá sặc rằn có kích thước lớn hơn cá sặc cùng loài, nguồn thức ăn chính là rong tảo và ấu trùng. Với ưu điểm thịt thơm ngon, ít xương và giàu chất dinh dưỡng, cá sặc rằn trở thành loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn gia đình.
Từ cá sặc rằn có thể chế biến nhiều món ngon, bình dân, song mang hương vị rất đặc biệt, như nấu với canh chua bông súng, cá kho quẹt - kho trái giác, cá chiên - nướng... Ai đã ăn món cá sặc rằn kho quẹt với vị cay nồng từ tiêu cùng những hương liệu hòa quyện với vị ngọt bùi của thịt cá sẽ có ấn tượng khó quên.
Cá sặc rằn cũng thường được chế biến thành khô. Các món ăn từ khô cá sặc rằn cũng hấp dẫn bởi vị thơm ngọt và độ dai. Khô cá sặc rằn nướng chấm với mắm me, trộn gỏi xoài, vị chua ngọt từ nước mắm me, gỏi xoài khiến món ăn lạ miệng. Có thể nói, khô cá sặc rằn đã trở thành đặc sản và hình ảnh gắn liền với mảnh đất U Minh Thượng.
Ngoài giá trị về ẩm thực, cá sặc rằn còn được dùng như một loại thuốc nam bổ dưỡng. Trong các phương thuốc dân gian, cháo cá sặc rằn giúp bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục sức khỏe chăm sóc tại nhà. Với ưu điểm là loài cá nạc, cung cấp nhiều chất đạm, khi chiên giòn có thể ăn cả xương. Tuy nhiên, người huyết áp cao nên thận trọng vì lượng sodium trong muối khô ướp khá cao.
Tại vùng U Minh Thượng, việc xây dựng cá sặc rằn thành một thương hiệu độc quyền còn mang ý nghĩa nhân văn. Đây là sản phẩm đặc trưng cho văn hóa ẩm thực chuyên biệt tự nhiên từ cá đến rau và hương liệu chế biến để cho ra những món bổ dưỡng, dân dã và độc đáo.
Cùng với mật ong rừng, cá sặc rằn là sản phẩm điển hình phục vụ cho du lịch tại địa phương này. Nuôi cá sặc rằn giảm tốc độ mặn xâm lấn và giữ nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng đa dạng sản phẩm, tạo sự cân bằng sinh thái và bảo tồn giống cá đồng tự nhiên. Mặt khác, cá sặc rằn còn là một sản phẩm chủ lực giúp nhà nông giảm nghèo.