Ông Cường cũng cho biết thêm, mặc dù không công bố rộng rãi, song Tổng cục Thủy sản cũng đã cung cấp thông tin tới cơ quan quản lý cấp địa phương. Tuy nhiên, về vấn đề thống kê công tác thu hồi sản phẩm đến thời điểm hiện tại, ông Cường cũng khẳng định chưa thể cung cấp bởi còn cần thời gian chuẩn bị thêm.
Liên quan tới vụ việc này, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) là kết quả của sự độc quyền. Lẽ ra, Trung tâm lập ra để làm dịch vụ, tái điểm định, tái giám định chất lượng sản phẩm thì lại kiêm luôn cả chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước là kiểm định chất lượng rồi cấp phép.
Nói về hình thức xử lý mà theo Tổng cục Thủy sản đã ở mức xử lý kỷ luật cao nhất, ông Dũng đánh giá: Vụ việc có dấu hiệu hình sự nên phải xử lý nặng hơn mức xử lý đã làm. Bởi chỉ khi làm nghiêm túc vụ việc này mới có tính răn đe đối với các vụ việc sau.
Trước đó, những ngày gần đây hàng loạt cơ quan báo chí đã đồng loạt đăng tải thông tin về vụ việc một số cá nhân tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản đã lợi dụng chức vụ, cấu kết với nhau cùng làm giả công văn, cắt ghép phụ lục công văn để cấp phép lưu hành trái phép cho hơn 800 sản phẩm thủy sản (gồm 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản).
Ngay từ giữa năm 2015, vụ việc này đã được xử lý. Các cá nhân bị xử lý kỷ luật chủ yếu là cách chức, cho nghỉ việc, khai trừ khỏi Đảng... Các cá nhân vi phạm cũng bị buộc phải hoàn trả, nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.