Trên lầu 4 của tòa nhà cao tầng, một cuộc gặp mặt đã được lên lịch gấp rút, giữa một bên là lãnh đạo của Vĩnh Hoàn và một bên là gần 20 chuyên viên phân tích đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư. Tất cả cùng ngồi im lặng, lắng nghe người phụ nữ nhiều năm chinh chiến trong ngành thủy sản chia sẻ.
Mở đầu câu chuyện, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vĩnh Hoàn, cho biết sự kiện ông Donald Trump trúng cử Tổng Thống Mỹ là thông tin bất ngờ. “Nhưng dù ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton thì những rào cản thương mại Mỹ áp lên ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn không khác nhiều”, bà Khanh khẳng định. Trong đó, ngoài thuế chống bán phá giá bị tính lại mỗi năm, Đạo luật Nông trại của Mỹ (Farm Bill) được xem là rào cản lớn nhất mà Vĩnh Hoàn nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói chung phải đương đầu.
Đạo luật này có hiệu lực từ tháng 3.2016 và Việt Nam có 18 tháng để chuyển tiếp. Tuy nhiên, những yêu cầu về tính tương đồng với Mỹ trong các khâu sản xuất chế biến cá da trơn cũng như việc chuyển công tác kiểm tra giám sát từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được dự báo sẽ khiến đường đi của con cá tra/basa Việt Nam vào Mỹ khó khăn hơn.
Lâu nay, FSIS chỉ kiểm định độ an toàn của thịt, trứng từ các nước nhập khẩu vào Mỹ, nay kiểm định luôn cho cá. Cá và thịt có tiêu chuẩn riêng nên Mỹ cần có thời gian để ban hành các quy định tương đương. Mỹ vẫn đang thể hiện tinh thần lắng nghe và trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng bộ quy tắc kiểm định. Ban đầu, sự bối rối từ phía FSIS đã ít nhiều đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào chỗ lúng túng, bị động, chưa biết ứng phó, chuẩn bị thế nào cho phù hợp.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu cá basa lớn nhất của Việt Nam và chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu toàn ngành. Mỗi năm, thị trường này giúp Việt Nam mang về hàng trăm triệu USD. Trong đó, Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Hùng Vương, Golden Quality và Navico là 5 công ty có thị phần dẫn đầu ngành xuất khẩu cá basa và chắc chắn ít nhiều bị tác động từ thị trường Mỹ. Xét riêng Vĩnh Hoàn, 60% doanh thu của Công ty đến từ thị trường Mỹ. Hơn ai hết, ảnh hưởng của Farm Bill nói riêng và những rào cản từ Mỹ nói chung lên Vĩnh Hoàn là không nhỏ.
Những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực đấu tranh để Mỹ bãi bỏ Đạo luật Farm Bill. Tuy kết quả cuối cùng còn phải đợi Hạ viện Mỹ thông qua, nhưng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ, việc thuyết phục được Thượng viện đồng ý và lấy được hơn 200 phiếu thuận từ các thành viên Hạ viện đã là thắng lợi lớn. Trở ngại còn lại là người đứng đầu ở Hạ viện Mỹ không bắt buộc phải đưa vấn đề Farm Bill ra biểu quyết và trong sự kiện ông Donald Trump trúng cử Tổng thống, Hạ viện Mỹ sẽ có nhiều chuyện đại sự hơn để bàn tới. Vì thế, theo bà Khanh, quá trình đấu tranh đòi Mỹ gỡ bỏ Đạo luật Farm Bill cần bền bỉ và thực tế hơn.
Cũng theo bà Khanh, “con cá basa của Việt Nam không xung đột gì với con cá của Mỹ”. Bằng chứng là hằng năm, Mỹ chỉ cung cấp khoảng 100.000 tấn cá da trơn, bằng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Cá do Mỹ cung cấp lại có giá khoảng 11-12 USD/kg, cao gấp 5 lần so với giá cá basa của Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS), tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Mỹ ngày càng tăng, đã tăng gần 1 pound (tương đương 453gr) so với năm 2015, lên khoảng 15,5 pound/người. Vì thế, nếu Mỹ thực thi chính sách bảo hộ lên cá da trơn, bà Khanh nhận định: “Người tiêu dùng Mỹ sẽ bị bất lợi”. Hiện tại, chất lượng sản phẩm cá basa của Việt Nam nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng vào Mỹ được kiểm soát nghiêm ngặt từ ao nuôi đến sản xuất chế biến. Đáng chú ý, từ sau sự cố lô hàng cá tra của Golden Quality bị Mỹ trả về (cuối tháng 5.2016) do dư lượng kháng sinh cao hơn mức cho phép, 100% lô hàng cá tra/basa xuất khẩu sang Mỹ đều được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) kiểm tra.
Trong trường hợp đến tháng 9.2017, Đạo luật Farm Bill vẫn được thực thi và TPP không ký kết, Mỹ vẫn không cản trở con đường xuất khẩu cá tra/basa của Việt Nam vào Mỹ, như Bộ Nông nghiệp Mỹ từng tuyên bố với ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam. Bằng chứng là Mỹ đồng ý cấp mức kinh phí khoảng 700.000USD để cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn cơ quan quản lý chất lượng của Việt Nam về các điều kiện tương đồng với Mỹ.
Cho đến giờ phút này, theo lời của người đứng đầu Vĩnh Hoàn, Công ty vẫn chưa phải thay đổi gì đáng kể để đáp ứng các yêu cầu về tương đồng. FSIS cũng không ý kiến gì về các khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển… của Vĩnh Hoàn. Một phần vì Công ty đã thực thi được các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo hàng xuất khẩu được vào cả những thị trường khó tính, mặt khác USDA cũng hiểu rằng, tương đồng không phải là giống hoàn toàn, nhất là khi mỗi quốc gia có những khác biệt riêng về điều kiện nuôi trồng và chủng loại cá.
Giải pháp đẩy mạnh bán hàng trực tiếp vào hệ thống bán lẻ hay chuỗi siêu thị như Walmart cũng như mở rộng thêm các thị trường mới đang được Vĩnh Hoàn ưu tiên. Đây được xem là cách phòng bị cho những tình huống xấu, nếu Vĩnh Hoàn bị gián đoạn ngắn hạn khi đưa hàng sang Mỹ. Có thể kể ra các thị trường tiềm năng cho Vĩnh Hoàn như Mexico, Brazil, Tây Ban Nha, Trung Quốc…
Trong đó, Trung Quốc hiện là thị trường đạt tăng trưởng ấn tượng nhất. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng gần 80% chỉ trong 9 tháng đầu năm. Như vậy, Trung Quốc đã vượt qua châu Âu (EU) và hiện chỉ đứng sau Mỹ trong nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Trung Quốc cũng không quá cách biệt so với Mỹ, xét về giá trị (201,9 triệu USD so với 286,8 triệu USD). Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep, cũng là người đứng đầu Công ty Hùng Vương, còn dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu cá tra lên gấp đôi trong thời gian tới.
Vĩnh Hoàn xuất sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường chính ngạch và chọn phân khúc cao cấp để tấn công. Theo bà Khanh, cách thức này giúp Công ty tránh được rủi ro thanh toán, đảm bảo chất lượng và giá trị xuất khẩu không thua kém các thị trường Âu Mỹ. Bằng chứng là giá bán của cá tra Vĩnh Hoàn ở Trung Quốc tương đương với giá Công ty xuất đi EU.
Bà Khanh nói thêm, ở phân khúc cao cấp, Trung Quốc kiểm soát còn khắt khe hơn các nước phương Tây. Có khách hàng Trung Quốc tính định mức an toàn thực phẩm trên từng đĩa thức ăn và trong một số trường hợp, Vĩnh Hoàn phải qua nhiều vòng kiểm tra mới có thể có mặt được ở hệ thống nhà hàng, cửa hàng của Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc ước góp 10% doanh thu cho Vĩnh Hoàn và có thể sẽ giúp bọc lót tiêu thụ hàng của Vĩnh Hoàn trong trường hợp thị trường Mỹ có diễn biến tiêu cực.
Chiến lược của Vĩnh Hoàn trong ứng phó với rủi ro từ thị trường Mỹ còn là thúc đẩy sản phẩm mới như cá chẽm, cá tialapia... hay hàng cho giá trị gia tăng cao hơn như cá nướng, cá tẩm gia vị, tẩm bột... Trong năm 2016, Vĩnh Hoàn nghiên cứu 7 sản phẩm, với 3 sản phẩm đã được đưa vào kinh doanh. Dự kiến vai trò của dòng sản phẩm mới sẽ được nâng lên, từ chỗ góp 2% tổng doanh thu lên 5% vào năm 2017. Vĩnh Hoàn sẽ đưa thương hiệu của mình vào các mặt hàng này.
Biến động thị trường Mỹ được dự báo sẽ đặt Vĩnh Hoàn và ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam trước những thách thức mới trong năm 2017. Dù vậy, với sự chuẩn bị từ trước, Công ty vẫn giữ thái độ lạc quan, thể hiện qua kế hoạch nâng công suất sản xuất ước tăng thêm khoảng 15% khi nhà máy Tiền Giang đi vào hoạt động. Dù thị trường có biến động, chủ trương của Vĩnh Hoàn là không giảm giá bán. Ở những thị trường đã quen thuộc và có lợi thế như Mỹ, Canada, Công ty còn chọn lựa khách hàng và ước tăng giá bán từ 0,5-1%. Vừa tăng công suất sản xuất vừa tiếp tục tăng giá bán, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận sau thuế năm 2017 tăng trưởng khoảng 15-20%/năm.