Tất cả đều toát lên một điều: ở Seaprodex có kiểu kinh doanh lạ đời là luôn mua đắt, bán rẻ; bán tài sản không theo quy định pháp luật, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Ở đây, không thể không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong việc không xử lý các cán bộ sai phạm, để các cán bộ lãnh đạo này ngày càng lộng quyền và tiếp tục gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Mua đắt, bán rẻ cổ phiếu không thông qua sàn giao dịch chứng khoán
Ngày 29/5/2013, ông Trần Tấn Tâm, Tổng Giám đốc Seaprodex có Tờ trình số 351a/TT gửi Hội đồng thành viên (HĐTV) Seaprodex. Theo đó, ông Tâm đề xuất mua 2.070.000 cổ phần Công ty Thủy sản 4 (mã chứng khoán: TS4), giá thực hiện: 10.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị mua là 20,7 tỷ đồng. Chấp thuận đề xuất này, ngày 24/6/2013, HĐTV Seaprodex đã có Nghị quyết số 163 do ông Võ Phước Hòa, phụ trách HĐTV ký, về việc mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại TS4. Điều bất thường, cổ phiếu TS4 giao dịch trên sàn chứng khoán ngày 25/6/2013 chỉ có giá 8.700 đồng/cổ phiếu, trong khi đó HĐTV Seaprodex lại quyết định mua với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tính ra, thương vụ này Seaprodex lỗ trên 2,6 tỷ đồng. Điều bất thường hơn nữa, theo trình bày của ông Trần Tấn Tâm thì tại Công văn số 1293 ngày 17/4/2013 của Bộ NN - PTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký thì Bộ này đề nghị Seaprodex mua cổ phiếu TS4 không mua qua thị trường chứng khoán. Vì sao, một cổ phiếu đã lên sàn như TS4 mà Bộ NN - PTNT không cho mua qua sàn, lại thực hiện mua thỏa thuận với giá đắt, gây thiệt hại cho nhà nước 2,6 tỷ đồng?
Mua cổ phiếu thì mua đắt, nhưng bán cổ phiếu lại bán rẻ. Ngày 5/6/2013 HĐTV Seaprodex đã có Quyết định số 151 về việc chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (mã CLG), số lượng chuyển nhượng là 1 triệu cổ phần, giá thực hiện: 11.200 đồng/cổ phần, tổng giá trị là 11,2 tỷ đồng. Được biết, giá cổ phiếu CLG giao dịch ngày 5/6/2013 là 13.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với thương vụ bán cổ phiếu CLG này, Seaprodex đã lỗ 2,7 tỷ đồng so với việc bán cổ phiếu CLG qua sàn chứng khoán. Chưa hết, đây là số cổ phiếu CLG mà ông Trần Tấn Tâm đã ký hợp đồng ngày 19/12/2011 mua của Công ty Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Theo Điều 2 hợp đồng, khi mua cổ phiếu CLG thì Seaprodex được giảm giá 5%. Theo ủy nhiệm chi chuyển khoản ngày 26/12/2011 thì Seaprodex đã trả đủ tiền mua 1 triệu cổ phiếu CLG. Vậy, số tiền 560 triệu đồng được giảm giá đang ở đâu mà không được hạch toán vào tài chính của Seaprodex? Vậy, số tiền này đã nằm vào túi ai? Điều đáng nói ở đây là khi thanh tra Seaprodex vào năm 2012, Bộ NN - PTNT đã có kết luận việc đầu tư này là vi phạm Nghị quyết số 94 của Chính phủ nhưng lại bỏ qua số tiền 7 tỷ đồng gây thất thoát cho Nhà nước tính đến ngày thanh tra.
Bán tài sản nhà nước không đúng quy định, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng
Căn nhà 01 và 01A Tăng Bạt Hổ, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh là tài sản Nhà nước, giao cho Seaprodex miền Trung quản lý. Trong giai đoạn 2007 – 4/2011, ông Trần Tấn Tâm là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Seaprodex miền Trung đã buông lỏng điều hành, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước và của cổ đông trên 55 tỷ đồng. Trước tình hình thất thoát lớn như vậy, ông Trần Tấn Tâm đã quyết định bán tài sản Nhà nước là căn nhà 01 và 01A Tăng Bạt Hổ, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Theo quy định, tài sản Nhà nước phải bán thông qua đấu giá. Thế nhưng, ông Tâm đã chỉ định bán cho một cá nhân, không thông qua đấu giá. Ngày 25/9/2008, ông Nguyễn Duy Dũng (Phó Tổng Giám đốc Seaprodex miền Trung, sau này là Tổng Giám đốc Seaprodex Sài Gòn) đã thực hiện bán cùng lúc hai căn nhà trên cho ông Trần Vĩnh Thành (20 tuổi, thường trú: 82 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh) với giá là 24,5 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ ba tháng sau, cùng ngày 4/12/2008, ông Trần Vĩnh Thành đã chuyển nhượng 2 căn nhà 01 và 01A Tăng Bạt Hổ cho đối tác là Công ty TNHH Vĩnh Hưng Đồng Nai với số tiền 43 tỷ đồng(?!). Như vậy, với việc bán nhà 01 và 01A Tăng Bạt Hổ thì ông Trần Tấn Tâm đã gây thiệt hại cho Seaprodex miền Trung 18,5 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn, tài sản Nhà nước đã bị đem bán không thông qua đấu giá, đưa một cá nhân ra mua “cò mồi”, để rồi những người có chức quyền thu lợi chênh lệch hàng chục tỷ đồng vào túi riêng của mình?
Được biết, hiện nay ông Trần Tấn Tâm, Tổng Giám đốc Seaprodex đang chỉ đạo người đại diện phần vốn Seaprodex tại Công ty CP xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn) bán các tài sản: Kho lạnh Sea tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) và căn nhà 200 Điện Biên Phủ, quận 3, TP Hồ Chí Minh để trả nợ do Seaprodex Sài Gòn làm ăn thua lỗ. Kho lạnh Sóng Thần và căn nhà 200 Điện Biên Phủ là tài sản Nhà nước góp vốn vào Seaprodex Sài Gòn. Liệu lịch sử việc bán nhà Nhà nước không thông qua đấu giá và bán với giá rẻ ở Seaprodex có lặp lại? Điều này rất có thể xảy ra, bởi vì căn nhà 200 Điện Biên Phủ, quận 3, TP Hồ Chí Minh được Vietcombank định giá 150 tỷ đồng nhưng hiện tại, Seaprodex Sài Gòn chỉ chào bán 100 tỷ đồng. Phải chăng, việc mua đắt, bán rẻ này chỉ có tài sản Nhà nước và cổ đông là bị mất, còn những quan chức lãnh đạo Seaprodex thì được lợi?
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tiến hành làm rõ trách nhiệm của Bộ NN - PTNT trong việc để những hành vi sai phạm của ông Trần Tấn Tâm, Tổng Giám đốc Seaprodex; ông Võ Phước Hòa, Phụ trách HĐTV Seaprodex gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tài sản Nhà nước.