Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, đầu năm nay Trạm Khuyến nông- khuyến lâm huyện Núi Thành phối hợp với Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư Quảng Nam triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP tại hộ ông Nguyễn Tiến (thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, Núi Thành).
Để có thể nuôi tốt 400 nghìn con giống chất lượng cao với ao nuôi rộng 0,5ha, ông Tiến đã nạo vét bùn đáy, phơi đáy, bón vôi và trải bạt chống thấm, sau đó cấp nước vào ao ở mức 1,5m từ ao chứa lắng có diện tích đến 5.000m2. Sau khi gây màu nước, ông thả tôm giống với mật độ 80 con/m2, cho tôm ăn 4 - 5 lần/ngày với nguồn thức ăn đạt chất lượng.
Ngoài việc quản lý thường xuyên chất lượng nước trong ao nuôi, bố trí hệ thống sục khí, ông cũng định kỳ dùng các loại vôi, chế phẩm sinh học, khoáng chất để điều hòa môi trường ao nuôi ổn định. Sau 2 tháng thả nuôi, ông Tiến thu được gần 3 tấn tôm, bán hơn 220 triệu đồng, lãi khoảng 40 triệu đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chí VietGAP triển khai tại gia đình ông Nguyễn Tiến đạt được các mục tiêu, yêu cầu kinh tế - kỹ thuật đề ra. Mô hình cho thấy kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP phù hợp với điều kiện sản xuất của Quảng Nam. Vì vậy, việc ứng dụng rộng rãi mô hình vào thực tế nuôi tôm, nhất là tại các vùng triều trên địa bàn tỉnh, sẽ giúp hạn chế ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh, góp phần phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ổn định trong thời gian tới.
“Từ thành công bước đầu này, có thể nhận thấy hướng phát triển rộng rãi của nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chí VietGAP tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Do Quảng Nam chưa sản xuất được giống tôm thẻ chân trắng nên các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng tiếp nhận kỹ thuật để có thể triển khai mô hình sản xuất tôm giống, cung cấp ổn định nguồn giống để nông dân sản xuất” - ông Bùi Thống, Trưởng trạm Khuyến nông-khuyến lâm huyện Núi Thành nói.
Vài năm trở lại đây, Quảng Nam đã có nhiều biện pháp kiểm soát việc nuôi tôm thẻ chân trắng ồ ạt, tự phát và định hướng áp dụng các tiêu chí nuôi an toàn, bền vững trong ngành nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, thực tế khi diện tích nuôi không ngừng tăng lên thì năng suất lại sụt giảm và làm ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam đánh giá: “Nhìn tổng thể, ngành nuôi tôm nước lợ của Quảng Nam còn yếu do đầu tư chưa đồng bộ. Trong đó hạ tầng vùng nuôi còn sơ sài, quy trình sản xuất thiếu quy củ…”.
Theo bà Tâm, muốn nuôi tôm nước lợ thành công, người nuôi cần đầu tư đồng bộ từ khâu xử lý nguồn nước, con giống, kỹ thuật chăm sóc khoa học… Cách tốt nhất là nuôi tôm nước lợ theo mô hình VietGAP.
Hiện Bộ NN&PTNT đã ban hành bộ quy tắc VietGAP cho nuôi tôm nước lợ với mục đích đảm bảo cho người nuôi các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái...
Để thực hiện mô hình này, cần phải đầu tư kênh cấp, thoát nước, ao chứa lắng tại khu vực nuôi; lập danh mục thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong quá trình nuôi tôm; có đánh giá đầy đủ các mối nguy về an toàn vệ sinh...
Bà Lâm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư Quảng Nam cho rằng nuôi tôm thẻ chân trắng theo các tiêu chí VietGAP không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ được môi trường sinh thái khỏi ô nhiễm mà còn đảm bảo được sản phẩm xuất khẩu không có dư lượng kháng sinh, tránh xảy ra trường hợp xấu khi truy xuất nguồn gốc. Vấn đề là làm thế nào để có thể “chuyển hóa” các quy chuẩn nuôi khắt khe này phù hợp với thực tế trên địa bàn tỉnh.
“Nông dân không có điều kiện để đầu tư bài bản, khoa học, có quy trình và đem lại hiệu quả lâu dài. Bởi vậy, để nuôi tôm nước lợ theo các tiêu chí VietGAP, chúng ta cần tạo điều kiện về vốn, giúp người dân tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm và thấy được hiệu quả để có thể áp dụng vào thực tế” - bà Ngọc nói.
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho mô hình nuôi tôm theo các tiêu chí VietGAP, nhiều ý kiến cho rằng để có thể đầu tư kênh cấp, thoát, ao chứa lắng… cần nguồn vốn lớn, trong khi đó khả năng của người dân còn hạn chế, khó huy động được tiền của để đầu tư có hệ thống.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng một số người dân vẫn có tiềm lực để đầu tư công trình nuôi tôm nước lợ một cách bài bản, tuy nhiên hiện vẫn còn một số vướng mắc trong công tác quy hoạch, tình trạng xuống cấp “đồng bộ” của hệ thống ao nuôi, ô nhiễm nguồn nước… nên một vài trường hợp đơn lẻ sẽ rất khó vực dậy nghề nuôi tôm nước lợ hiện nay.
Theo Bộ NN&PTNT, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí VietGAP phải đáp ứng nguyên tắc là đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nuôi trồng thủy sản cũng phải được thực hiện một cách có kế hoạch và có trách nhiệm đối với môi trường, theo các quy định của Nhà nước và cam kết quốc tế.
Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí VietGAP phải được thực hiện một cách có trách nhiệm đối với xã hội, tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương, không làm ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng địa phương…