Anh Đoàn Bá Hướng, Trưởng thôn Vân Thành cho biết: Vài năm trở lại đây, nhiều hộ đã chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng với những loại cá đặc sản có hiệu quả kinh tế cao. Đã có nhiều hộ giàu lên với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, điển hình như hộ ông Trần Văn Hưng. Hộ ông Hưng là một trong những hộ nuôi cá chiên đặc sản đầu tiên ở đây. Ông Hưng cho biết, với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá lồng cộng với kiến thức từ tham gia các lớp tập huấn của huyện, xã tổ chức, năm 2015 ông mạnh dạn vay 200 triệu đồng đầu tư 8 lồng nuôi cá chiên đặc sản. Năm 2016, sau khi bán 8 lồng cá, trừ chi phí ông Hưng còn thu lãi gần 180 triệu đồng. Năm nay, gia đình ông tiếp tục đầu tư đóng thêm 4 lồng nuôi bằng sắt cho đợt nuôi cá tiếp theo.
Theo ông Trần Văn Tuyến, cùng thôn Vân Thành thì nuôi cá chiên rất nhàn. Sau hơn 10 năm nuôi cá trên sông, ông nhận thấy cá chiên ưa nước chảy, khi thấy lồng nuôi cá có bám rêu, bùn bẩn là phải vệ sinh ngay. Giống cá chiên hiện nay các hộ trong thôn nuôi bằng lồng hoàn toàn là đánh bắt ở sông nên kích cỡ không được đồng đều nhưng ưu điểm là cá đã quen với điều kiện sống trên sông nên rất dễ nuôi, giá con giống rẻ, thức ăn là các loài sinh vật thủy sinh, cá con, tôm... Hiện cá thịt thương phẩm luôn trong tình trạng hiếm, có đến đâu hết đến đó. Thời điểm hiện tại, giá cá thịt đang dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, người mua đến tận nơi đặt hàng. Cá nuôi có trọng lượng từ 0,5 kg/con trở lên là người nuôi đã có lãi.
Ông Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết, trước đây bà con trong xã chỉ tập trung phát triển rau màu trên đất soi bãi và trồng cây nguyên liệu giấy. Vài năm gần đây, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh với số hộ nuôi và số lồng cá không ngừng tăng, chủ yếu nuôi cá chiên đặc sản, tập trung tại xóm chài ven sông thuộc thôn Vân Thành. Năm 2015, cả xã mới chỉ có 20 lồng cá của 9 hộ nuôi thì đến nay đã tăng lên 12 hộ nuôi với 45 lồng. Nhận thấy điều kiện thuận lợi, tiềm năng phát triển của nghề nuôi cá lồng trên sông, xã Vĩnh Lợi đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản. Cụ thể, năm 2016 xã đã ưu tiên hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới cho các hộ đóng mới 40 lồng bằng sắt thay thế lồng nuôi bằng gỗ, tre, hóp để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển nghề nuôi cá, mở rộng các mô hình nuôi cá lồng đặc sản; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho các hộ nuôi.