Anh Nguyễn Văn Giao, nông dân xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) là một trong 5 hộ được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ mô hình nuôi ếch kết hợp với cá rô phi đỏ. Đây là hình thức nuôi không mấy xa lạ với bà con ở Tiền Giang, Đồng Tháp nhưng lại khá mới mẻ đối với người dân xã Vĩnh Xuân. Mô hình của anh Giao được thiết kế 2 vèo nuôi có kích thước 30 m2, cao 1 - 1,2 m, làm bằng lưới, nilông, phía trên có nắp đậy để tránh ếch nhảy ra ngoài và đề phòng địch hại. Vèo treo trong ao, đáy ngập nước khoảng 20 - 30 cm. Dùng bè tre, lục bình… để tạo giá thể cho ếch lên cư trú, tổng diện tích giá thể chiếm 2/3 - 3/4 diện tích vèo. Đặt những tấm xốp phía mặt dưới của đáy để vèo nổi lên, làm nơi nghỉ ngơi, tắm nắng và ăn mồi của ếch.
Gia đình anh Giao thả nuôi 2.500 con ếch, 1.000 cá rô phi đỏ; tổng chi phí 7.950.000 đồng, gồm con giống, thức ăn, vèo, thuốc. Sau 2,5 tháng nuôi, tỷ lệ sống của ếch là 80%, trọng lượng từ 3- 4 con/kg, sản lượng thu được 400 kg ếch, với giá bán 45.000 đồng/kg, anh thu được 18 triệu đồng tiền bán ếch. Đối với cá rô phi đỏ, do cá còn nhỏ, chưa đủ kích cỡ bán nên anh tiếp tục nuôi.
Anh Giao cho biết: “Mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô phi đỏ rất hiệu quả, trong quá trình nuôi, tôi không bổ sung thức ăn cho cá mà chỉ tận dụng thức ăn dư thừa, chất thải từ ếch và da ếch khi lột xác… để nuôi cá. Tuy là người mới nuôi, chưa có kinh nghiệm mà được kết quả như vậy là rất mừng, tôi sẽ tiếp tục vì qua 1 vụ thì mình cũng biết được đặc tính cũng như những nguyên nhân gây bệnh cho ếch”.
Được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi ếch theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật theo chương trình đã học, cộng với sự chịu khó, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, gia đình anh Giao từng bước vươn lên có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Theo anh Giao, ếch dễ nuôi và chủ động được thức ăn. Ếch nuôi cũng rất ít bệnh vì thế chi phí thuốc trị bệnh thấp. Ngoài ra, tận dụng thức ăn thừa từ phân ếch nên nuôi cá cũng cho hiệu quả. Cá rô phi đỏ còn có tác dụng làm sạch đáy vèo. Nếu nuôi ếch bán vào thời điểm giá thấp chỉ cần hòa vốn, còn tiền lãi từ bán cá cũng khá.
Sau 2 tháng rưỡi nuôi ếch, khi xuất bán lứa đầu tiên, anh thu lãi hơn 10 triệu đồng. Cá nuôi chưa thu hoạch nhưng anh ước tính sẽ thu thêm 5 triệu đồng khi xuất bán cá. Sau thành công vụ ếch đầu tiên, anh mạnh dạn đầu tư nuôi thêm 3.000 con. Ngoài việc cho ếch ăn thức ăn công nghiệp, anh còn tranh thủ đi bắt ốc, đặt dớn tìm nguồn thức ăn thủy sản cho ếch nhằm giảm chi phí mua thức ăn. Ếch ăn thức ăn thủy sản cũng nhanh lớn hơn. Anh Giao tâm sự: “Bản thân tôi rất biết ơn chính quyền địa phương và hội nông dân xã đã hỗ trợ để gia đình có điều kiện tiếp cận với mô hình mới. Cũng nhờ được hỗ trợ từ địa phương, các ngành chuyên môn mà gia đình tôi có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Đây thực sự là hoạt động hỗ trợ hết sức hữu ích không chỉ giúp tôi mà còn cho tất cả các hộ khó khăn khác có thêm động lực để phấn đấu thoát cảnh nghèo”.
Mô hình nuôi ếch thương phẩm trong vèo kết hợp cá rô phi đỏ đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật của người dân trong vùng, làm tiền đề để xây dựng và phát triển vùng nuôi chuyên canh các đối tượng thủy đặc sản có thế mạnh để nâng cao giá trị trong sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện một phần mức sống cho lao động nông thôn và góp phần triển khai thực hiện thành công “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2015- 2018”. Mô hình này phù hợp cho các hộ nuôi tận dụng diện tích ao, mương vườn có sẵn, để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do giá cá rô phi đỏ trên thị trường biến động bất lợi cho người nuôi, lợi nhuận của mô hình còn thấp, thời gian nuôi ngắn, có thể thả nuôi 2 lứa cá, 3- 4 lứa ếch trên năm sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đối với những hộ có điều kiện sản xuất lớn, có thể ứng dụng quy trình kỹ thuật của mô hình nuôi ếch thương phẩm trong vèo kết hợp cá rô phi đỏ phát triển với quy mô lớn, chuyên nghiệp, lâu dài.