Theo ông Liêu Cẩm Hiền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long , kinh tế thủy sản là một trong những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, tuy nhiên thời gian vừa qua ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu sản xuất và tiêu thụ.
“Sản lượng thủy sản trên địa bàn trong quý 1/2014 đạt 33.529 tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 31.740 tấn, giảm 5,16%, riêng cá tra nuôi thâm canh đạt 26.099 tấn, giảm 6,81%, hiện nay với giá mua cá tra nguyên liệu từ 24.000 - 25.000 đồng, tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với đầu năm, mức lợi nhuận của người sản xuất rất thấp và thiếu bền vững nên chưa thu hút người nuôi tái đầu tư và mở rộng quy mô nuôi cá tra thâm canh”- ông Liêu Cẩm Hiền cho biết.
Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 420,5 ha mặt nước sử dụng nuôi cá tra thâm canh, giảm 10 ha so với cùng kỳ năm 2013, trong đó diện tích đang thả nuôi 278 ha, giảm 44,6 ha, diện tích treo ao 43,2 ha, tăng 34,9 ha. Riêng lồng bè nuôi cá có 632 chiếc chủ yếu nuôi cá điêu hồng, hiện giá bán cá điêu hồng từ 31.000 - 32.000 đồng/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2013 trong khi giá thức ăn tăng nên lợi nhuận của người nuôi thấp, số lượng bè cá giảm 78 bè so với cùng kỳ.
Để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xây dựng các dự án tái cơ cấu ngành thủy sản đối với diện tích nuôi cá tra “treo ao”, hỗ trợ người nuôi chuyển đổi đối tượng sản xuất có giá trị kinh tế như dự án nhân rộng mô hình sản xuất giống lươn đồng (Monopterus albus) bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo và phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể xi măng lót bạt, dự án chuyển giao kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chạch quế (Macrognathus aculeatus) và phát triển các mô hình nuôi thương phẩm trong ao đất, xây dựng các môi hình hỗ trợ tại các xã nông thôn mới như mô hình nuôi lươn không bùn tại 3 xã Đông Thành (thị xã Bình Minh), Song Phú (huyện Tam Bình), Chánh Hội (huyện Mang Thít), mô hình nuôi cá lóc ở xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn).
Tại các xã triển khai mô hình, tỉnh Vĩnh Long khuyến khích tổ chức lại sản xuất theo mô hình quản lý cộng đồng, tổ hợp tác sản xuất kinh tế tập thể, củng cố hoạt động của Hiệp hội Thủy sản, các Hội Nghề cá để xây dựng “cầu nối” nắm sản lượng sản xuất của vùng nuôi, của hội viên gắn kết với nhu cầu thu mua chế biến của các doanh nghiệp đảm bảo mục tiêu tăng hiệu quả sản xuất và phát triển kinh tế thủy sản bền vững./.