Luật sư Ngô Quang Thụy là người có nhiều năm kinh nghiệm đại diện cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Ông đã trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM một số giải pháp mà các DN xuất khẩu tôm bị kiện chống trợ cấp cần lưu ỵ́.
Học hỏi từ ngành hàng đã bị kiện
. Thưa ông, ngoài con tôm, còn sản phẩm xuất khẩu nào của Việt Nam cũng bị kiện chống trợ cấp không? Có vụ nào ta thắng kiện không?
+ Luật sư Ngô Quang Thụy: Từ năm 2010, túi nhựa nylon xuất sang Mỹ đã bị áp đặt thuế chống trợ cấp (5,28%), đầu năm nay thêm mặt hàng móc áo thép bị áp thuế chống trợ cấp rất cao (31,58%). Sản phẩm ống thép carbon làm hàng rào xuất sang Mỹ cũng bị điều tra chống trợ cấp năm 2012 nhưng phán quyết cuối cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) là không gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất ống thép của Mỹ nên không bị áp thuế chống trợ cấp. Kết quả này đạt được là do các DN tham gia vụ điều tra đã nghiêm túc, tích cực, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chứng minh rằng họ không nhận được sự trợ cấp nào từ Chính phủ để bán phá giá sản phẩm. Đặc biệt là sự tham gia hiệu quả từ các bộ, ngành liên quan.
. Kinh nghiệm rút ra cho vụ kiện lần này là gì?
+ DN Việt Nam nhiều khi thiếu đoàn kết, trong cùng ngành thì còn hỏi han thông tin nhau chứ khác ngành chắc còn ít liên kết nữa. Vì thế, ngành hàng xuất khẩu bị kiện chống trợ cấp sau như ngành tôm lần này cần đi hỏi xem những ngành hàng bị kiện trước đó đã chuẩn bị thế nào, cách giải trình, chứng minh ra sao để thuyết phục DOC… Tìm hiểu xem cơ quan quản lý ngành xuất khẩu bị kiện trước đã báo cáo, đề xuất lên Chính phủ cảnh báo nguy cơ bị kiện, lý do bị kiện trợ cấp từ trong chính sách như thế nào để từ đó có phương án phù hợp. Nếu làm được như vậy, các ngành xuất khẩu có thể thoát khỏi những vụ kiện tương tự.
Vai trò của chính phủ rất lớn
. Vào đầu tháng 6 này, phái đoàn DOC sẽ sang thẩm tra các DN và Chính phủ về vụ kiện chống trợ cấp tôm xuất khẩu, chỉ vài tháng sau đó là có phán quyết cuối cùng. Vậy chúng ta còn có thể làm được gì để thay đổi kết quả?
+ Cơ hội thắng kiện vẫn còn, lúc này các DN cần chuẩn bị thật tốt hồ sơ và số liệu để giải trình, chứng minh và phản biện lại các cáo buộc trợ cấp và cách tính toán trong kết quả sơ bộ là chưa chính xác. Hơn nữa, DN cần vận động, kiến nghị Chính phủ quyết liệt tham gia giải trình, chứng minh các chương trình trợ cấp bị cáo buộc mà DOC đang điều tra không phải là trợ cấp thật sự. Hoặc nếu kết luận là trợ cấp thì cũng tự kiểm tra lại số liệu báo cáo có chính xác chưa, bổ sung thêm tài liệu có lợi để điều chỉnh ngay khi DOC bắt đầu tiến hành thẩm tra. Trong vụ kiện chống trợ cấp, vai trò của Chính phủ rất lớn, nếu Chính phủ không hội ý thống nhất với DN thì DOC rất dễ nắm lỗi khi thẩm tra.
. Các nước xuất khẩu khác thường có phương án gì khi bị kiện chống trợ cấp?
+ Nhiều nước áp dụng quy trình thỏa thuận đình chỉ hoặc cam kết. Theo đó, chính phủ ngành công nghiệp khởi kiện sẽ đàm phán thỏa thuận với chính phủ của ngành công nghiệp là đối tượng bị điều tra. Vụ kiện liên quan sẽ được đình chỉ đến chừng nào sản phẩm từ nước là đối tượng bị điều tra chống trợ cấp được nhập khẩu với số lượng ít hơn hoặc giá cao hơn… Tuy các dạng thỏa thuận kiểu chính phủ với chính phủ không dễ dàng và không phổ biến nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
Ở một số nước, việc ngành công nghiệp nước xuất khẩu tiếp cận ngành công nghiệp nước khởi kiện, yêu cầu rút lại cáo buộc để đổi lấy một khoản thanh toán bằng tiền là hoàn toàn hợp pháp nhưng khó xảy ra vì liên quan đến chống độc quyền. Trong một số trường hợp, DN xuất khẩu có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp đó ký kết hợp đồng liên doanh hoặc thỏa thuận khác với một nhà sản xuất của ngành công nghiệp nước khởi kiện khiến đơn kiện được rút lại. Ngoài ra, chính phủ nước có ngành công nghiệp bị cáo buộc có trợ cấp có thể đưa vụ việc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới nhờ giải quyết…
. Xin cảm ơn ông.