Hiện nay, nhiều gia đình đời sống đã được nâng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng trẻ suy dinh dưỡng lại xuất hiện nhiều. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng? Trẻ bị còi xương thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê, răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón, chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng… Các trường hợp còi xương nặng còn để lại di chứng nhô ức gà, chân cong hình chữ X, chữ O. Bệnh còi xương có thể gặp ở cả những trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phốtpho cao hơn trẻ bình thường.
Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do chế độ ăn nghèo canxi, phốtpho. Những trẻ ăn quá mặn hay quá nhiều chất đạm cũng làm đào thải vitamin D qua nước tiểu. Bên cạnh đó những trẻ không được bú mẹ đầy đủ cũng dễ mắc phải hội chứng này.
Để cung cấp đủ canxi cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên có chế độ ăn uống khoa học cho các trẻ. Sữa, chế phẩm từ sữa, tôm, cua... là những nguồn cung cấp canxi tự nhiên cho cơ thể.
Đặc biệt, nhiều bậc phụ huynh thấy vỏ tôm cứng nên nghỉ rằng vỏ tôm có nhiều chất canxi và ép con ăn tôm cả vỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực chất vỏ tôm không có chất canxi. Nguồn canxi chính của tôm chủ yếu ở thịt, chân và càng. Nếu ăn phải vỏ tôm nó sẽ bài tiết ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ nên bóc vỏ tôm để trẻ không bị hóc, hay đâm vào miệng gây đau.
Ngoài chế độ ăn uống, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý cho con mình thường xuyên được tắm nắng, vận động ngoài ánh nắng để tăng cường hấp thu vitamin D và canxi.
Lạm dụng canxi nguy hại cho sức khỏe của trẻ
Canxi rất cần thiết cho cơ thể nhưng thiếu hoặc thừa canxi cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Có nhiều bà mẹ vì muốn con mình cao lớn hơn, đã lạm dụng nhiều thuốc cốm bổ canxi mà không biết rằng có nguy hại cho con.
Tùy mức độ thừa canxi ít hay nhiều có thể gây các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, tiểu nhiều làm mất nước. Nếu quá thừa, lượng canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, photpho… tăng canxi trong máu.
Tốt nhất là các bậc phụ huynh nên cho bé ăn uống đủ dinh dưỡng đa dạng các thực phẩm, chú ý dùng nhiều thực phẩm giàu canxi như tôm, tép, ốc, cua, trứng… các loại rau, đậu để cơ thể hấp thụ canxi một cách tự nhiên. Không nên lạm dụng thuốc bổ canxi với mục đích giúp cho bé phát triển chiều cao ngoài chỉ định của bác sĩ.