Sự suy giảm kinh tế toàn cầu và rào cản kỹ thuật từ một số quốc gia nhập khẩu đã làm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm năm 2012 của cả nước chỉ đạt khoảng 2,25 tỷ USD, giảm 6,3% so năm 2011. Tuy nhiên, những con số này này vẫn chưa lột tả hết diễn biến nội tại trong toàn chuỗi ngành tôm qua một năm nhiều biến động.
Nhật Bản là thị trường lớn nhất, chiếm tới 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2012. Tuy nhiên, với hàng rào kiểm soát tôm nhập khẩu cũng đã khiến các đối tác nước này liên tục giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong suốt nửa cuối năm.
Bởi lẽ, từ tháng 5/2012, những lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản bắt đầu phải qua kiểm soát dư lượng hóa chất (ethoxyquin). Quy định này thì chỉ có tôm nuôi quảng canh mới có thể đảm bảo không dính ethoxyquin, nhưng sản lượng thu hoạch chỉ vài chục kg/ha. Xoay quanh việc kiểm tra ethoxyquin, tôm xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam còn bị đối tác ép giảm giá, bình quân 22% so với trước thời điểm có quy định kiểm tra.
Bên cạnh đó, một số đối tác nhập khẩu chính cũng giảm sản lượng mua: Mỹ giảm 15,6%; EU giảm 24,8%; Canada giảm 14,1%... Các con số suy giảm trong năm 2012 được “đổ lỗi” cho suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP lo lắng: “Thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi, một số nhà nhập khẩu lớn của Mỹ nói rằng, khách hàng của họ không mấy quan tâm đến sự khác biệt về chất lượng tôm từ các nhà cung cấp mà chỉ quan tâm tới giá bán của nó”.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký hội Thủy sản Cà Mau (CASEP) nói rằng: “Sản phẩm tôm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ cao hơn từ 1 - 1,5 USD/kg so với tôm nguyên liệu nhập khẩu”. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) cho rằng: Khi tham gia thị trường Nhật Bản có thời điểm giá tôm Việt Nam là 11,2 USD/kg, cùng lúc đó giá tôm Ấn Độ cùng loại, cùng thị trường chỉ bán 8,6 USD/kg.
Theo VASEP, thời hưng thịnh của ngành tôm Việt Nam đã có khoảng 300 doanh nghiệp từng tham gia xuất khẩu tôm, mặt hàng chiếm 36 - 38% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Và đến những ngày đầu năm 2013 đã có 30% ngừng hoạt động do thị trường thu hẹp dần, thiếu vốn, giá nguyên liệu tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… 70% còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 40 - 50% công suất.
Trong điều kiện “lý tưởng”, nếu những thách thức về dịch bệnh, rào cản ethoxyquin được tháo gỡ, ngăn chặn được tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nguyên liệu… Các yếu tố, giá cả, thị trường xuất khẩu không thay đổi, thì kim ngạch xuất khẩu 2013 sẽ tương đương năm 2011, tăng hơn 6% so năm 2012.
Nhưng nếu lần lượt đảo ngược các yếu tố đầu vào, người nuôi sẽ tiếp tục gặp khó, doanh nghiệpxuất khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng dù giá tăng cao. Để giải quyết vấn nạn này giá trị nhập khẩu tôm nguyên liệu dự báo sẽ lên tới trên 200 triệu USD trong năm 2013, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ tương đương năm 2012.
Trong tình huống xấu hơn, những rào cản thương mại, chính sách thuế nhập khẩu của các quốc gia tiếp tục gia tăng giá xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, tạo điều kiện tốt cho đối thủ cạnh tranh. Nếu như vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục giảm so với năm 2012.
Ông Lý Văn Thuận Tổng Thư ký VASEP nêu nghịch lý: “Ở vùng nguyên liệu lớn như Cà Mau vậy mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải nhập 7.000 tấn tôm nguyên liệu. Càng tâm phục khẩu phục hơn khi tôm nhập khẩu tính cả các khoản chi phí vận chuyển, thuế vẫn rẻ hơn nguyên liệu trong nước 30.000 - 50.000 đ/kg”.
Theo ông Thuận, thực tế này sẽ có lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhưng lại bóp nghẹt nghề nuôi trong nước. Ông phân tích: “Chi phí đầu vào luôn ở mức cao, dịch bệnh tàn phá, năng suất thấp khiến giá thành tôm nguyên liệu không thể thấp hơn”. Thị phần của doanh nghiệp tôm Việt Nam tiếp tục rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador nếu không có những biện pháp khẩn cấp giải cứu vùng nuôi.
Ông Thuận nói: Việt Nam luôn có vị thế toàn cầu về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cá tra, tôm nhưng những người trực tiếp làm ra nguồn nguyên liệu luôn gặp khốn đốn, lỗ lã, thậm chí phá sản. Cùng lúc đó, doanh nghiệpxuất khẩu tôm trong khó khăn vẫn phải chắp vá để tồn tại và nuôi sống hơn 1,5 triệu lao động thuộc ngành chế biến tôm. Những nhà kinh tế lĩnh vực ngoại thương lúc này phải loay hoay tìm kế giảm bớt nguy cơ thất nghiệp của đội ngũ công nhân.