Hoài Nhơn là 1 trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn ở Bình Định. Nếu như những năm trước đây, mặc cho tình hình nuôi tôm bị “thua” ở nhiều địa phương khác, riêng người nuôi tôm ở Hoài Nhơn cứ thắng lớn với năng suất vượt trội. Thế nhưng năm 2012 vừa rồi, họ đã phải nếm cay đắng khi hầu hết diện tích nuôi bị căn bệnh hoại tử gan tụy làm trắng tay! Ông Võ Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Năm 2012 vừa qua ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương bị thất bại nặng nề. Trong 180 ha diện tích thả nuôi tôm ở đây có đến 70% diện tích ao hồ bị căn bệnh hoại tử gan tụy gây hại, số diện tích có tôm thu hoạch rất ít. Do vậy, bước vào vụ nuôi mới năm này, bà con đang chuẩn bị thả nuôi nhưng rất run”.
Theo kế hoạch, năm nay Bình Định sẽ thả nuôi trên 2.350 ha tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Những diện tích nuôi tôm được phân ra thành từng vùng: nuôi trên cát, nuôi tại các đầm phá cùng cửa sông và những diện tích nuôi ở các vùng trung, hạ triều có cơ sở hạ tầng không bảo đảm nuôi thâm canh và bán thâm canh. Tùy từng vùng nuôi, ngành NN Bình Định bố trí lịch thời vụ hợp lý, đầu tháng 3 là thời điểm thả nuôi đại trà. Đây là vụ nuôi chủ lực, quyết định năng suất và sản lượng tôm nuôi cả năm. Để bảo đảm an toàn cho SX, ngay từ đầu vụ, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho hộ nuôi.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bình Định, cho biết: “Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Định, diễn biến thời tiết của năm nay rất bất thuận cho nghề nuôi tôm. Nếu hộ nuôi không tuân thủ nghiêm ngặt những khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh thì nguy cơ bị “thua” là cầm chắc”.
Cũng theo ông Tâm, để bảo đảm thắng lợi cho vụ nuôi năm nay, người nuôi tôm cần chấp hành tốt lịch thời vụ do Sở NN-PTNT ban hành, phương thức nuôi và mật độ nuôi. Ao nuôi phải được cải tạo cách thời điểm thả giống từ 1-2 tháng, vệ sinh, dọn sạch chất thải trong đáy ao. Đối với những vùng nuôi chung, bà con cần thành lập những tổ nuôi tôm cộng đồng để tăng cường quản lý vùng nuôi cho tốt. Đối với những diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, cần xử lý nước nuôi trong ao lắng và ao chứa trước khi đưa vào ao và tuyệt đối không dùng các chế phẩm sinh học có nguy cơ tồn dư chất gây ngộ độc cho tôm nuôi trong thời gian sau này.
“Về tôm giống, ngoài kiểm dịch các loại bệnh thông thường do virus gây ra, bà con cần yêu cầu ngành chức năng kiểm tra thêm vi khuẩn nhiễm trong gan, bởi đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra hội chứng gan tụy ở tôm nuôi”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bình Định.
Trong quá trình nuôi, cần điều chỉnh môi trường nuôi ở ngưỡng thích hợp theo ngành chức năng hướng dẫn. Đặc biệt, tôm giống phải chọn loại có chất lượng tốt tại các cơ sở cung ứng có uy tín, không nên mua giống trôi nổi ngoài thị trường tiềm ẩn nhiều dịch bệnh.
Ông Võ Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết thêm: “Để tránh thất bại như năm trước, bước vào vụ nuôi năm nay, UBND huyện chỉ đạo cho ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tôm. Trước khi bước vào vụ nuôi mới, chúng tôi tổ chức cho những hộ nuôi ký cam kết tuân thủ thả nuôi đúng lịch thời vụ”.
Tuy ngành NTTS Bình Định đã chuẩn bị cho vụ nuôi mới chặt chẽ là vậy, nhưng vẫn không tránh khỏi trường hợp có những hộ nuôi bất chấp, thả giống trước lịch thời vụ. “Hiện nay, đã có khoảng 60-70 ha tại các vùng nuôi đìa phía Nam huyện Hoài Nhơn thuộc các xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Hương bà con đã thả giống. Do gặp những cơn mưa và gió mùa đông bắc trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua họ lập tức dừng lại, thăm dò thời tiết. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong vụ nuôi mới này, do gặp thất bại lớn trong năm trước nên ngoài một số hộ vì ham nuôi được nhiều vụ trong năm để gỡ gạc thua lỗ những vụ trước còn “xé rào” lịch thời vụ, hầu hết bà con đã bắt đầu có ý thức tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chức năng”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bình Định, nói.